Điểm báo ngày 16/4: Quy hoạch sông Hồng, sông Đuống - tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển đột phá

Quy hoạch sông Hồng, sông Đuống: Tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển đột phá; Sẽ kiểm tra công ty kiểm toán để tăng chất lượng thông tin tài chính; Nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số phải có tư duy đột phá; Bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP... là những tin thức đáng chú ý đăng trên các báo ra ngày 16/4/2022.

Trên báo Kinh tế và Đô thị số ra ngày hôm nay 16/4 có bài viết đáng chú ý với tiêu đề: Quy hoạch sông Hồng, sông Đuống: Tạo động lực mới cho thủ đô phát triển đột phá.

Bài viết trích dẫn ý kiến của ông Đào Duy Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, hai đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống được coi là mảnh ghép cuối cùng của đô thị trung tâm đối với quy hoạch phân khu đô thị; có ý nghĩa quan trọng vì thể hiện được tính đặc trưng và nhận diện cho đô thị trung tâm. 

Đồng thời, đây cũng là hai đồ án quy hoạch phân khu được xác lập theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mang tính chất là trục không gian cảnh quan chủ đạo cho đô thị trung tâm Hà Nội; tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát phát triển không gian kiến trúc cảnh quan chung cho Hà Nội; cơ hội để TP khai thác, phát huy tiềm năng của dòng sông tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển đột phá trong tương lai.

SẼ KIỂM TRA CÔNG TY KIỂM TOÁN ĐỂ TĂNG CHẤT LƯỢNG THÔNG TIN TÀI CHÍNH

Sẽ kiểm tra công ty kiểm toán để tăng chất lượng thông tin tài chính, bài viết được tải trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đang tăng cường rà soát các báo cáo tài chính kiểm toán trên thị trường chứng khoán. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định, với tinh thần là “sai đến đâu, xử lý đến đó”. Cũng theo bài viết, công khai, minh bạch là yêu cầu, nguyên tắc, mục tiêu của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến nghĩa vụ lập báo cáo tài chính hoặc cố tình vi phạm. Đây là thách thức với cơ quan quản lý, đòi hỏi cơ quan quản lý phải không ngừng hoàn thiện thể chế, cập nhật, sửa đổi các chuẩn mực kế toán, kiểm toán, nâng cao năng lực, tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm.

NHÂN LỰC PHỤC VỤ CHO CHUYỂN ĐỔI SỐ PHẢI CÓ TƯ DUY ĐỘT PHÁ

 Nhân tố con người là cốt lõi trong chuyển đổi số. Nhân lực đó không chỉ có trình độ về khoa học công nghệ mà còn phải có khả năng quản trị, kinh doanh, đặc biệt là phải có tư duy đột phá, thích ứng với đổi mới và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Bài viết trên báo điện tử VOV.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nền kinh tế số đến năm 2025 sẽ chiếm 25% GRDP và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của thành phố Hồ Chí Minh. Theo một số chuyên gia, việc thành phố Hồ Chí Minh tập trung chuyển đổi số là hướng đi đúng theo xu thế của thế giới và phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Đây không chỉ là giải pháp thúc đẩy tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài. Bên cạnh đó, thành phố cần phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực này ngoài trình độ khoa học công nghệ còn phải có khả năng quản trị, kinh doanh, có tư duy đột phá, thích ứng với đổi mới và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

BẠO LỰC GIA ĐÌNH VỚI PHỤ NỮ GÂY THIỆT HẠI 1,8% GDP

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện năm 2019 (công bố năm 2020) cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).

Theo báo Sài Gòn Giải phóng, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về bạo lực gia đình do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy những bức tranh hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Cũng theo bài viết, các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành dược coi là tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành.

“NGÁO GIÁ” BẠCH HẢI ĐƯỜNG: NGUY CƠ MẤT TIỀN OAN

Sau cơn sốt lan đột biến, thị trường cây cảnh gần đây tiếp tục dậy sóng với trào lưu chơi cây bạch hải đường được ‘thổi’ giá lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Theo các chuyên gia, đây là loài cây rất bình thường, xuất hiện ở Việt Nam từ lâu. Bài viết trên báo Tiền phong.

Theo bài viết, trào lưu săn bạch hải đường “độc”, hiếm đang được quảng cáo nhiều nhất tại Vĩnh Phúc, Nam Định, Phú Thọ, Hòa Bình… Để tăng độ “hot” của loại cây này, không ít dân buôn còn tuyên bố thu mua không giới hạn số lượng, bất chấp giá cả. Theo một số chuyên gia, bạch hải đường là loại cây tự nhiên rất dễ trồng, có thể gieo hạt và giâm cành, không hề có điểm gì đặc biệt. Cơn sốt bạch hải đường xuất phát từ việc trước đây giới chơi cây cảnh không chú ý nên cây này hiếm, ít xuất hiện trên thị trường. Lợi dụng tâm lý này, một số người tạo cơn sốt, đẩy giá cây lên để trục lợi.