Điểm báo ngày 9/03: Phân lô bán nền rồi bỏ hoang và hệ lụy khôn lường

Tại nhiều thành phố lớn đã xảy ra tình trạng phân lô bán đất nền diễn ra khá phổ biến; Liều thuốc nào “trị bệnh” tắc nông sản ở cửa khẩu?; 15 địa phương công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo sáng ngày 9/03/2022.

 Tình trạng phân lô bán đất nền diễn ra khá phổ biến

Thời gian gần đây, tại nhiều thành phố lớn đã xảy ra tình trạng phân lô bán đất nền diễn ra khá phổ biến và được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội. Về góc độ pháp lý, Nhà nước không cấm việc phân lô, bán nền,  nhưng nếu chỉ đầu cơ dự án, bán kiếm lời rồi bỏ hoang thì sẽ gây hệ lụy khôn lường cho thị trường bất động sản. Đây là nội dung bài viết nổi bật trên báo Kinh tế đô thị.

Theo đánh giá, thời gian qua, việc cho phép phân lô, bán nền nảy sinh nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Đáng chú ý, tình trạng này lại diễn ra chủ yếu ở khắp các đô thị trên cả nước là những khu vực có nhu cầu lớn về nhà ở.  Việc phân lô, bán nền rồi để trống gây lãng phí tài sản xã hội, thiếu hụt về nhà ở. Phân lô bán nền chỉ mang lại lợi ích đối với một phận nhỏ những người đầu cơ, nguồn tiền xã hội bị “chết” trong đất, chỉ sinh lời qua chiêu trò giao dịch, mua bán mà không tạo ra giá trị phát triển cho xã hội, khiến nền kinh tế bị trì trệ. Vì vậy, cần phải siết chặt hơn việc cấp phép phân lô, bán nền, đặc biệt ở khu vực đô thị.

Liều thuốc nào “trị bệnh” tắc nông sản ở cửa khẩu?

Cứ như một năm bốn mùa, câu chuyện ùn tắc nông sản xuất khẩu ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc lâu nay bỗng trở thành “thông lệ”. Người nông dân kêu trời, doanh nghiệp than vãn, còn cán bộ hải quan thức thâu đêm làm thủ tục vẫn không xuể. Liên quan đến vấn đề này, Thời báo Tài chính Việt Nam sáng nay có bài viết: Liều thuốc nào “trị bệnh” tắc nông sản ở cửa khẩu? Theo số liệu mới nhất từ Cổng thông tin một cửa quốc gia, lượng xe hàng chờ thông quan ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã ùn tắc nghiêm trọng trở lại, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn Lạng Sơn với mức cảnh báo đỏ, trên 5.000 xe. Theo tác giả bài viết, gốc rễ của vấn đề vẫn là sản xuất và đảm bảo chất lượng hàng hoá. Còn theo bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình và kế hoạch căn cơ. Việc xây dựng lộ trình này là cấp bách.

15 địa phương công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023

Chuyển sang bài viết khác về chính sách giáo dục trên báo Lao động. Đến nay, đã có 15 địa phương công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023. Nhiều tỉnh, thành tiếp tục giảm số môn thi để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh. Trong khi đó, thông tin mới nhất từ Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết, năm học 2022-2023, thành phố dự kiến giữ ổn định phương thức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (gồm mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10) như năm học 2021-2022. Theo đó, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập là thi tuyển. Ba môn cố định đã được quy định trong kỳ thi gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Còn môn thi thứ tư sẽ được công bố trong tháng 3-2022. Vì vậy, nhiều học sinh tại Hà Nội đang "mất ăn mất ngủ" đợi công bố môn thi thứ 4. Thông tin này cũng nhận được không ít ý kiến trái chiều. Theo báo Lao động, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc thêm môn thi thứ 4 vào kì thi tuyển sinh lớp 10 không thực sự có nhiều ý nghĩa. Bởi thi chỉ là một hình thức để kiểm tra chứ không thể đánh giá được toàn diện kết quả và quá trình học tập của học sinh.

“Một đề xuất hợp lý, hợp tình”

Liên quan đến việc Bộ Y tế đề xuất cho phép F1 và cả F0 được đi làm, mới đây Báo Tuổi trẻ có bài viết: “Một đề xuất hợp lý, hợp tình”. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp rất bức xúc vì quy định cách ly F1 từ 5 - 7 ngày. Với đặc thù cư ngụ chốn "đất chật người đông", nhiều công nhân phải ở ghép 5 - 7 người một phòng, nếu một người F0 là coi như cả phòng đó phải nghỉ làm. Với 350.000 công nhân riêng trong các khu công nghiệp ở TP.HCM, con số phải cách ly rất khủng khiếp nếu doanh nghiệp áp dụng "rập khuôn" quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, theo báo Tuổi trẻ, Đây là đề xuất được doanh nghiệp đánh giá là phản ứng nhanh, hợp lý hợp tình và sát với thực tế. Theo các chuyên gia, cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra chủ trương chung, còn doanh nghiệp sẽ căn cứ quy mô, phương án sản xuất quyết định cụ thể phù hợp./.