Điểm báo ngày 19/03/2022: Đề nghị cấm chia lô bán nền đến khi sửa luật đất đai

Đề nghị cấm chia lô bán nền đến khi sửa Luật đất đai; Hà Nội mở lại phố đi bộ: Người dân vui mừng, hàng quán dè dặt; Giá nguyên liệu đầu vào cùng cước phí vận tải tăng chóng mặt, khiến các doanh nghiệp kiệt sức... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ngày 19/03.

ĐỀ NGHỊ CẤM “CHIA LÔ BÁN NỀN” KHI SỬA LUẬT ĐẤT ĐAI

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn chỉnh dự án Luật Đất đai sửa đổi, chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới đây. Luật đất đai là luật có liên quan tới nhiều luật khác, vì vậy, lần sửa đổi này được dư luận rất quan tâm.

Báo điện tử VNExpress có bài viết:  Đề nghị cấm “chia lô bán nền” khi sửa luật Đất đai. VnExpress trích dẫn ý kiến của  giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường) cho biết, cơ quan soạn thảo đã bốn lần đề cập đến mục tiêu sửa Luật Đất đai. Cho rằng dự luật vẫn còn vĩ mô, chưa giải quyết các vấn đề cụ thể, Nhiều ý kiến đề xuất ban soạn thảo "cấm chia lô bán nền, chỉ sử dụng cách thức này ở một số vùng nông thôn đang cần đất ở cho các hộ gia đình tách ra từ một hộ, không mang tính thị trường". Nguyên nhân là chia lô bán nền khiến người dân tích tiền trong đất, để nguyên đất mà không xây dựng hạ tầng phát triển kinh doanh. Điều này chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ngắn hạn, lâu dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, làm cạn kiệt tài nguyên.
 

HÀ NỘI MỞ LẠI PHỐ ĐI BỘ: NGƯỜI DÂN VUI MỪNG, HÀNG QUÁN DÈ DẶT
Sau gần 10 tháng tạm dừng, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và các không gian đi bộ trong khu Phố cổ Hà Nội đã hoạt động trở lại bắt đầu từ tối qua 18/3. Dù phấn khởi nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn còn khá dè dặt, bởi chưa biết lượng khách sẽ thế nào...
Báo Đại đoàn kết số ra sáng nay có bài viết: Hà Nội mở lại phố đi bộ: Người dân vui mừng, hàng quán dè dặt. Theo đó, Nhiều hộ kinh doanh trong khu vực phố cổ  cho biết, sau 2 năm đại dịch, hiện đã quen với việc “đóng đóng, mở mở” nên lần này vẫn vừa làm vừa tiếp tục nghe ngóng. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên việc thiếu nhân sự vẫn luôn là khó khăn hiện hữu. Hiện nay không chỉ ở Hà Nội mà nhiều thành phố lớn khác, các biện pháp thích ứng linh hoạt để vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế đều đã được tổ chức

KHI NÀO ĐƯA COVID-19 KHỎI DANH MỤC BỆNH ĐẶC BIỆT NGUY HIỂM, DỪNG ĐẾM CA?

Nghị quyết chương trình phòng, chống dịch COVID-19 vừa được Chính phủ ban hành yêu cầu đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nhóm nguy hiểm).Đây cũng là chủ đề được nhiều tờ báo lớn phân tích, bình luận. 
Theo Báo Tiền phong, khi so sánh với các bệnh truyền nhiễm khác ở trẻ nhỏ, nhiều ý kiến cho rằng, Ở thời điểm hiện tại, COVID-19 vẫn là bệnh đáng lo ngại nên chưa thể chuyển sang nhóm B được. Lí do là hiện nay chưa có vắc xin dành cho đối tượng trẻ nhỏ. Đặc biệt trẻ dưới 11 tuổi. Tiếp nữa là tỉ lệ mắc còn rất cao, vẫn có trẻ tử vong liên quan đến bệnh. Hệ thống y tế tại các địa phương phải sẵn sàng, có đơn vị điều trị bệnh COVID-19, có tiêu chuẩn nhập viện cẩn thận để có thể đáp ứng đươc tốt nguồn vật tư y tế. Bên cạnh đó, khi chuyển đổi nhóm bệnh, phải hình thành kèm theo các chính sách đáp ứng để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương.

DOANH NGHIỆP QUAY CUỒNG TRONG “BÃO GIÁ” ĐẦU VÀO

Giá nguyên liệu đầu vào cùng cước phí vận tải tăng chóng mặt, khiến các doanh nghiệp kiệt sức và đang phải quay cuồng xoay xở trước viễn cảnh kế hoạch tăng trưởng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là nội dung bài viết trên Báo Giao thông.  
Theo Báo Giao thông, Cần có những chính sách quyết liệt để kìm giá xăng dầu, bởi toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hiệu quả gói hỗ trợ nền kinh tế có thể sẽ giảm đi rất nhiều. Nhiều chuyên gia đề nghị Chính phủ có giải pháp giữ giá xăng ở mức 22.000 - 23.000/lít cho đến cuối tháng 6 năm nay, giúp ngành vận tải phục hồi.