Điểm báo ngày 11/4: Công khai thông tin quy hoạch để tránh bất động sản “sốt ảo”

Công khai thông tin quy hoạch để tránh bất động sản “sốt ảo”; Hơn 200.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần; Trường mầm non "săn" giáo viên trở lại làm việc, chấp nhận trả lương cao.... là những thông tin đáng chú ý trên mặt báo sáng ngày 11/4/2022.

CÔNG KHAI THÔNG TIN QUY HOẠCH ĐỂ TRÁNH BẤT ĐỘNG SẢN “SỐT ẢO”
(Thời báo tài chính Việt Nam)

Bài viết trích dẫn ý kiến của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, Việc siết chặt phân lô, tách thửa chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn để kiểm soát tình hình. Về lâu dài, ở mỗi địa phương cần thiết phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn rồi công khai để người dân biết. Việc sử dụng đất vào mục đích nhà ở, bất động sản công nghiệp, du lịch… cần đưa vào kế hoạch, quy hoạch dài hạn, có dự án bài bản để tạo ra sản phẩm bất động sản chính thống.

HƠN 200.000 NGƯỜI RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN
(Vnxpress)

Tính hết tháng 3/2022, lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trên cả nước tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những lao động này về già sẽ không có lương hưu hoặc hưởng mức thấp, không đảm bảo cuộc sống, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. "Đây là thực trạng đáng lo ngại, tác động trực tiếp tới quyền lợi lao động và ảnh hưởng an sinh khi dân số Việt Nam đang bắt đầu già hoá". Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động không chọn rút bảo hiểm xã hội một lần, nên bảo lưu thời gian đóng hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để hưởng lương hưu, được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức hưởng 95% khi đi khám bệnh.

TRƯỜNG MẦM NON "SĂN" GIÁO VIÊN TRỞ LẠI LÀM VIỆC, CHẤP NHẬN TRẢ LƯƠNG CAO
(Báo Lao Động)

Bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trường mầm non tư thục đều rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn, không thể chi trả tiền thuê mặt bằng, nhiều giáo viên gặp khó buộc phải xin nghỉ việc hẳn, chỉ còn rất ít cô cố bám trụ với nghề. Giải bài toán thiếu trầm trọng giáo viên là vấn đề đặt ra với không ít trường tại Hà Nội khi thành phố thông báo trẻ mầm non được đến trường từ ngày 13/4 tới. Nhiều chủ trường chia sẻ, họ sẵn sàng chi trả mức lương cao hơn, thậm chí hạ yêu cầu, chỉ mong có nhân sự.  Ngoài ra, các chủ trường còn đau đầu với bài toán kinh tế khi sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học và đồ chơi bởi ròng rã gần 1 năm qua, trường không có bất kỳ nguồn thu nào.

SAU NĂM 2030: DỪNG HOẶC HẠN CHẾ XE MÁY, THỰC HIỆN RA SAO?
(Báo Tuổi Trẻ)  

Nhìn nhận về nội dung này, TS Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, cho rằng đây là quyết sách rất cần thiết nhưng phải tính toán kỹ các yếu tố liên quan, hỗ trợ để đề án khả thi, đạt hiệu quả cao. Các địa phương phải lập tổng thể phương án vùng hạn chế xe máy gồm: đánh giá lưu lượng xe máy, mức độ phủ sóng của giao thông công cộng. Khi có vùng này rồi, cần phải thiết lập bãi xe, nhà xe ngoài vùng hạn chế để người dân gửi xe trước khi chọn xe công cộng. Còn theo ý kiến của PGS.TS Vũ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Trường ĐH Việt Đức, cho rằng khi cấm xe máy mà giao thông công cộng chưa đáp ứng được thì ôtô sẽ xuất hiện dày đặc và lại quay về chuyện ùn tắc, ô nhiễm. Do đó, khi thực hiện phương án cấm xe máy thì phải cấm luôn ôtô bằng biện pháp kinh tế như thu phí vào vùng đô thị, phí bảo vệ môi trường, cấm vào vùng phát thải thấp.

CẨN TRỌNG VỚI CÁC “TUA” DU LỊCH GIÁ RẺ
(Báo Nhân Dân)

Lợi dụng tâm lý thích giá rẻ, dịch vụ tốt và tình trạng khan hiếm phòng ở các điểm du lịch, các đối tượng thường dùng hình ảnh cá nhân, tên của người khác để truy cập vào các hội, nhóm và giao dịch thông qua tin nhắn riêng. Chính vì vậy, chỉ khi bị lừa mất tiền hoặc đã dùng xong các dịch vụ không như quảng cáo thì các thành viên trong các hội, nhóm mới biết và nhận được chia sẻ thì cũng đã muộn. Với thủ đoạn tinh vi, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường khóa tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc, cơ quan chức năng khó quản lý, truy vết và xử phạt.