Điểm báo 12/7: Ngành rau củ quả: Tìm cách chinh phục thị trường lớn

Ngành rau củ quả: Tìm cách chinh phục thị trường lớn; Gỡ rào cản hút vốn PPP chất lượng cao; Câu chuyện dài hạn khi điện là trung tâm của việc chuyển đổi năng lượng.... là những tin nổi bật trên mặt báo sáng 12/7

NGÀNH RAU CỦ: TÌM CÁCH CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG LỚN

Trong số ra sáng nay trên báo Đại đoàn kết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 27,88 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 13,9% so với cùng giai đoạn năm trước. Con số xuất khẩu khả quan là thế song, thực tế, nhiều loại rau quả của Việt Nam chưa thể xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn.

Lý giải về việc này, các chuyên gia trong ngành cho biết nông sản của Việt Nam dồi dào, các mùa đều có các loại rau, của quả đặc sản của các vùng miền... thế nhưng do yếu về khâu chế biến nên sản lượng, giá trị nông sản xuất khẩu chưa cao. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả, nhưng do thiếu vốn sản xuất nên phần lớn các doanh nghiệp chỉ đầu tư chế biến quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản. Mặt khác, sản phẩm chế biến càng sâu thì thị trường tiêu thụ càng hẹp do thói quen của người tiêu dùng vẫn thích ăn trái cây tươi, nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng chế biến. Để ngành rau củ quả có thể chinh phục được các thị trường khó tính, rất cần tổ chức lại vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến; nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên kết chuỗi, có quy định điều phối các hoạt động liên kết; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau, quả; phát triển thị trường sản phẩm chế biến...

GỠ RÀO CẢN HÚT VỐN PPP CHẤT LƯỢNG CAO 

Báo Đại đoàn kết cho biết, hiện cả nước có rất nhiều dự án phát triển hạ tầng thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). PPP cũng được xem là giải pháp đầu tư được ưu tiên, tuy nhiên thực tế cho thấy còn nhiều rào cản khiến nhà đầu tư chưa rót vốn vào những dự án này. 

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, dự án kêu gọi đầu tư của Việt Nam khá nhiều, song việc thu hút nguồn vốn lại không đơn giản.  Theo đó, Dù đã có luật mới nhưng vấn gặp vướng mắc trong việc tiếp tục triển khai dự án BT do chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể; hay chưa có quy định, trình tự, thẩm quyền đối với các dự án PPP chấm dứt hợp đồng trước thời hạn,... Bên cạnh đó, giới chuyên gia đầu tư nước ngoài cũng đưa ra nhận định rằng Việt Nam đã giải quyết được một số vấn đề tại Luật PPP, giúp giảm thiểu được nhiều rủi ro, chi phí cho nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên dự án PPP tại Việt Nam vẫn cần có thêm thời gian để thực hiện các phép thử nhằm đánh giá xem khung pháp lý mới mà Luật PPP đặt ra có thực sự hiệu quả hay không. Để phát huy những lợi thế mà PPP mang lại, việc cải thiện môi trường đầu tư, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Trong đó, việc điều chỉnh, hoàn thiện khuôn khổ cơ sở pháp lý là rất quan trọng để có thể kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng cho doanh nghiệp, thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư chất lượng.

CÂU CHUYỆN DÀI HẠN KHI ĐIỆN LÀ TRUNG TÂM CỦA VIỆC CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG 

 Việc chuyển đổi năng lượng, thay thế các nguồn nhiên liệu hoá thạch, truyền thống sang sử dụng các dạng năng lượng sạch hơn, ít phát thải và tiến tới trung hoà carbon là xu thế của toàn cầu.

Theo bài viết trên báo điện tử VOV, chuyển dịch năng lượng để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 là một việc làm rất khó và rất thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội cho Việt Nam để chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Hiện tại, khoảng 2/3 tổng phát thải quốc gia là từ ngành năng lượng, cho nên việc tích hợp năng lượng và tiết kiệm năng lượng là hai trụ cột chính trong việc chuyển dịch năng lượng Việt Nam... Tuy nhiên, còn rất nhiều việc Việt Nam phải tính tới, đó là cùng với vấn đề công nghệ và tài chính cho việc phát triển năng lượng tái tạo là vấn đề xử lý các nguồn thải từ các nhà máy điện này. Nhưng quan trọng hơn, vẫn là việc đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia, mà để có thể đối trọng, thay thế hoàn toàn nguồn nhiệt điện than và giảm phụ thuộc nhiệt điện khí thì điện hạt nhân cũng là vấn đề cần nghiên cứu và tính tới trong dài hạn. Giải pháp được cho là hiệu quả cả trong trước mắt cũng như lâu dài - được các chuyên gia khuyến cáo - đó là cần nâng cao ý thức về sự hữu hạn của nguồn cung, để thực sự tạo sự chuyển biến từ nhận thức trở thành hành vi của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.