Không thể chủ quan với lạm phát; Thần tốc giải ngân tiền hỗ trợ nhà cho lao động; Tháo gỡ vướng mắc bảo hiểm xã hội. Lạc quan nhưng không được chủ quan về tình hình phục hồi kinh tế sau đại dịch... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 15/8/2022.
KHÔNG THỂ CHỦ QUAN VỚI LẠM PHÁT
Ngay trên trang nhất báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay. Mặc dù lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát nhưng áp lực từ nay đến cuối năm vẫn còn lớn, do đó, cần có giải pháp hợp lý, kịp thời và thiết thực đối với cả Doanh nghiệp cũng như người dân để kiểm soát lạm phát.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu như giá cả các loại hàng hóa không giảm thì sẽ tác động lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% và tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2022. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa những tháng cuối năm tăng cao, để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp phù hợp để giá nguyên, nhiên liệu và giá cả hàng hóa trong nước được điều chỉnh phù hợp theo giá xăng. Đây cũng là cách để Việt Nam nâng cao năng lực cho hàng hóa xuất khẩu trong nước và ổn định đời sống người dân, giúp doanh nghiệp hồi phục.
THẦN TỐC GIẢI NGÂN TIỀN HỖ TRỢ NHÀ CHO LAO ĐỘNG
Hôm nay 15/8 đã hết hạn nộp hồ sơ hỗ trợ và còn tối đa 15 ngày này nữa để các địa phương phải hoàn thành hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động. Hiện các địa phương đang phải tăng tốc hết công suất, chạy đua với thời gian để đưa tiền tới tay người lao động. Thông tin mới ra sáng nay đăng tải trên báo Nông thôn ngày nay.
Cụ thể, tính đến ngày 11/8 mới có 1 tỉnh thành hỗ trợ đạt tỷ lệ 62%, 50% tỉnh thành có tỷ lệ hỗ trợ đạt trên 30%, số còn lại tỷ lệ giải ngân vẫn lẹt đẹt chỉ từ 1-10% thậm chí có tỉnh tỷ lệ hỗ trợ vẫn bằng 0. Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương phải làm tốt 3 việc: Thứ nhất, phải nộp hồ sơ trước 15/8; thứ 2 những hồ sơ đã tiếp nhận khẩn trương phê duyệt; thứ 3 phải chi trả các hồ sơ đã được duyệt. Đồng thời, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ, hồ sơ duyệt tới đâu thì chi trả tới đó. Bộ sẽ lập đoàn kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ, kiểm tra việc thực hiện lời hứa của các địa phương.
THÁO GỠ VƯỚNG MẮC BẢO HIỂM XÃ HỘI
Liên quan đến trích hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, không chỉ cá nhân người lao động, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh tiến độ giải quyết rất chậm từ các cơ quan hữu quan.
Theo bài viết, hiện nay, đã có hơn 1 triệu hồ sơ được Bảo hiểm xã hội (BHXH)TP Hồ Chí Minh xác nhận, chiếm hơn 90%. Tuy nhiên tỷ lệ giải ngân chỉ mới đạt gần 6% trong tổng số hơn 1700 tỷ đồng. Đồng thời, hơn 200 DN và đại diện người lao động(NLĐ) tại TP Hồ Chí Minh đã xin được hướng dẫn các thủ tục liên quan về chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Đại diện lãnh đạo BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều vấn đề phản ánh của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ từ BHXH đã phản ánh khó khăn rất lớn mà NLĐ, doanh nghiệp gặp phải. Do đó, ngoài các vướng mắc có thể giải đáp và giải quyết trực tiếp, cơ quan BHXH tiếp tục ghi nhận và giải quyết nhanh nhất những khó khăn của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến chính sách.
LẠC QUAN NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN
Nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin cao cùng các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ từ cuối năm 2021, các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ.
Trên cơ sở đó, WB đã nâng mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2022 lên 7,5%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các dự báo về nền kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế khác như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... đưa ra. Đây là lần hiếm hoi trong nhiều năm qua, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam được các tổ chức quốc tế lớn đưa ra cao hơn so với mục tiêu kỳ vọng. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước còn e ngại về các rủi ro, thử thách nền kinh tế phải đương đầu là lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu hụt lao động và biến chủng mới của Covid-19 có thể gây ra các đợt dịch, cản trở sự phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, cũng như Việt Nam... Do vậy cần phải tiếp tục cẩn trọng đối phó.