• 1000 lượt xem
  • 14:01 15/07/2022
  • Xã hội

Điểm báo 15/7: Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 tạo đột phá bằng chất lượng

Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 tạo đột phá bằng chất lượng; Loại nhà thầu yếu, đưa 361km cao tốc Bắc - Nam về đích; Xử lý nợ xấu: Gia hạn hay luật hoá?; “Tuyệt chủng” căn hộ dưới 25 triệu/m2 ở hai thành phố lớn... là những tin đáng chú ý trên các mặt báo ngày 15/7.

XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM NĂM 2022 TẠO ĐỘT PHÁ BẰNG CHẤT LƯỢNG

Gạo là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022. Để đạt mục tiêu về đích xuất khẩu gạo năm 2022 với 6,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, thì hạt gạo Việt Nam cần tạo đột phá bằng chất lượng. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Báo Kinh tế và Đô thị đề cập, doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Song song với đó là xây dựng thương hiệu, bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 - 20%. Đặc biệt, DN cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do. 

LOẠI NHÀ THẦU YẾU, ĐƯA 361KM CAO TỐC BẮC - NAM VỀ ĐÍCH

Liên quan đến việc thúc tiến độ, đưa cao tốc Bắc - Nam “cán đích” đúng hẹn, báo Giao thông số ra sáng 15/7 có bài viết: Loại nhà thầu yếu, đưa 361km cao tốc Bắc- Nam về đích".

Theo báo Giao thông, với tinh thần “không có đường lui”, Bộ GTVT rốt ráo chỉ đạo các công trường tăng tốc, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu để 4 dự án thành phần tiếp theo thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam về đích trong năm 2022 đúng kế hoạch. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải lưu ý, dự án đang vào giai đoạn "nước rút" và hoàn thiện nên càng phải tập trung hơn nữa, nhất là việc đảm bảo chất lượng. Vì vậy, đối với nhà thầu làm chậm hoặc xảy ra vấn đề, Bộ Giao thông vận tải sẽ đưa vào danh sách cấm, không cho tham gia các dự án tiếp theo. 

XỬ LÝ NỢ XẤU: GIA HẠN HAY LUẬT HOÁ?

Giá cả tăng, lạm phát tăng, rủi ro tài chính, an ninh năng lượng... đang tác động rất lớn đến nợ xấu. Theo các chuyên gia, nếu không luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Báo Đại đoàn kết trích dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng, từ nay đến 31/12/2023, phải chuẩn bị các bước để luật hóa xử lý nợ xấu, không tạo ra khoảng trống pháp lý và từng bước xử lý các vướng mắc. Tiếp đó, cần hình thành bộ luật riêng về xử lý nợ xấu hoặc có một chương trong Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, luật hóa Nghị quyết 42 là để góp phần hoàn thiện thể chế, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho pháp luật. Vì hiện nay với nhiều lý do, quy mô nợ xấu tuyệt đối đã thay đổi rất lớn. 

“TUYỆT CHỦNG” CĂN HỘ DƯỚI 25 TRIỆU/M2 Ở HAI THÀNH PHỐ LỚN

Chuyển sang bài viết liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Bộ Xây dựng cho biết, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 tr/m2. Bài viết trên báo Lao động. 

Theo Báo Lao động, thị trường bất động sản đang bộc lộ những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh nổi lên như: Cơ cấu sản phẩm bất động sản còn bất hợp lý, phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa. Báo cáo của Bộ xây dựng chỉ ra, Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 triệu đồng/m2.