Điểm báo 1/6: Doanh nghiệp phát triển bền vững: Không phải gánh nặng mà là cơ hội

Doanh nghiệp phát triển bền vững: không phải gánh nặng mà là cơ hội; Lương công chức, viên chức việt nam đang ở đâu trên bản đồ thu nhập thế giới?; Định giá sách giáo khoa tránh tác động tiêu cực;... là những tin nổi bật trên mặt báo sáng ngày 1/6.

DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KHÔNG PHẢI GÁNH NẶNG MÀ LÀ CƠ HỘI

Chiến lược phát triển bền vững gắn kết chặt chẽ với mục tiêu kinh doanh được nhìn nhận là điều kiện tiên quyết cho thành công của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần tư duy đúng về phát triển bền vững, xem đây là cơ hội thay vì là gánh nặng. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Theo bài viết, vấn đề phát triển bền vững hiện đã ảnh hưởng trực tiếp, sát sườn đến các doanh nghiệp Việt Nam, từ ngành hàng thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp đến các ngành hàng phi thực phẩm như da giày, may mặc, điện tử. Gần đây, các nhãn hàng lớn của thế giới công bố những mục tiêu phát triển bền vững dẫn đến thách thức là nếu doanh nghiệp Việt không có lộ trình cụ thể để đáp ứng thì sẽ bị mất các đơn hàng gia công lớn. Doanh nghiệp cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ, tiếp sức kịp thời, tuy nhiên về phía doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh”, khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.

 LƯƠNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU TRÊN BẢN ĐỒ THU NHẬP THẾ GIỚI?

Lương công chức, viên chức Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thu nhập thế giới? Tiêu đề bài viết đáng chú được đăng trên báo Lao động.

Bài viết trích dẫn ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Lưu Mai cho rằng, chính sách tiền lương là chính sách vô cùng quan trọng. Một chính sách tiền lương đúng đắn có tác động thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản đối với bước tiến xã hội. Vậy chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thu nhập thế giới?”, sẽ là khập khiễng nếu so sánh với các nước phát triển. Song chỉ cần so với các nước trong khu vực sẽ thấy một khoảng cách không nhỏ. Hiện nay cuộc cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang diễn ra gay gắt, đặc biệt với những nước già hóa dân số. Nếu như không có một chính sách hợp lý thì chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà trong cuộc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

ĐỊNH GIÁ SÁCH GIÁO KHOA TRÁNH TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa được bổ sung vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. “Định giá sách giáo khoa tránh tác động tiêu cực” là bài viết phân tích trên báo Giáo dục và Thời đại.

Theo bài viết, sách giáo khoa được coi là mặt hàng đặc thù, thiết yếu, do đó việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là cần thiết. Tuy nhiên, việc này càng có ý nghĩa hơn nếu Nhà nước có biện pháp bình ổn giá. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đã đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhưng chỉ quy định mức giá trần. Tuy nhiên, nếu xác định mức giá trần cao cũng có tác động lớn đến người tiêu dùng. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề này, trong đó khâu thẩm định cần được tiến hành thận trọng, đảm bảo không gây phản ứng trong xã hội.

SỐ DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ TẠM NGỪNG KINH DOANH GIẢM 25,1% SO VỚI THÁNG 4

Thông tin về số liệu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tháng 5/2023 có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022. Theo bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam, so với con số kỷ lục doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 4/2023 (gần 16.000 doanh nghiệp), số doanh nghiệp thành lập mới tháng 5/2023 đã giảm 24,2%, giảm 32,9% về vốn đăng ký và giảm 37,4% về số lao động so với tháng 4/2023. Ngoài ra, trong tháng 5 có hơn 5.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, với hơn 12.000 DN đăng ký thành lập mới trong tháng 5, số DN thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2023 là gần 62.000 DN.