Điểm báo 16/1: Đề xuất cấp căn cước công dân gắn chip cho trẻ dưới 6 tuổi

Đề xuất cấp căn cước công dân gắn chip cho trẻ dưới 6 tuổi; Dùng phí công đoàn hỗ trợ công nhân; Ba kịch bản xuất khẩu với ngành dệt may 2023; Giải pháp gia tăng ngân sách cho phát triển hạ tầng đô thị ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 16/1/2023.

ĐỀ XUẤT CẤP CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP CHO TRẺ DƯỚI 6 TUỔI 

Theo báo Tuổi trẻ, Bộ Công an vừa đề xuất trẻ dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì cấp căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, việc này sẽ thực hiện theo nhu cầu chứ không bắt buộc.

Đề xuất trên được đưa ra trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vừa được Bộ Công an đăng tải để lấy ý kiến đóng góp. Dự thảo nêu, trường hợp công dân là trẻ em đủ 6 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân. Theo Bộ Công an, việc này giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

DÙNG PHÍ CÔNG ĐOÀN HỖ TRỢ CÔNG NHÂN

Chính phủ vừa đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lên phương án nghiên cứu việc sử dụng nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ đoàn viên, lao động bị ảnh hưởng việc làm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2023 cận kề. Theo báo Đại biểu Nhân dân, đây là chủ trương hết sức đúng đắn, cần triển khai thật nhanh.

Báo Đại biểu Nhân dân đề cập, thị trường lao động được dự báo không mấy sáng sủa khi tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Khả năng đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II năm tới. Vì vậy, việc dùng phí công đoàn hỗ trợ công nhân là hết sức xác đáng và lẽ ra phải được triển khai sớm hơn. Bây giờ, điều quan trọng là chủ trương này phải được hiện thực hóa càng sớm, càng tốt để giúp những công nhân, người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đón tết đầm ấm.

BA KỊCH BẢN XUẤT KHẨU VỚI NGÀNH DỆT MAY 2023

Năm 2022 có thể được mô tả như một năm "đầu xuôi, đuôi chưa lọt" đối với ngành dệt may. Bắt đầu hứng khởi đầu năm, nhưng từ giai đoạn quý III/2022 trở đi, nhiều doanh nghiệp dệt may đã rơi vào trạng thái thiếu đơn hàng, thừa lao động. Vậy kịch bản nào cho xuất khẩu ngành dệt may trong năm 2023? Bài viết trên báo Đại Đoàn Kết.

Theo báo Đại Đoàn Kết, nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong năm 2023 sẽ tiếp tục suy giảm hoặc tăng trưởng thấp. Ở kịch bản thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu của năm 2023 có thể còn thấp hơn năm 2022 khoảng 5%. Đối với kịch bản khả thi, khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ duy trì ngang với năm 2022. Kịch bản tốt nhất xảy ra là khi ngành dệt may vẫn có tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu ổn định, khi đó tốc độ tăng trưởng có thể khoảng 4%-5% so với năm 2022.

GIẢI PHÁP GIA TĂNG NGÂN SÁCH CHO PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG ĐÔ THỊ

Theo ước tính, lượng vốn đầu tư hạ tầng đô thị phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội sẽ chiếm khoảng 20% GDP của Việt Nam. Vì vậy, cần phải có giải pháp phù hợp để tạo nguồn lực tài chính cho quá trình này. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Theo báo Kinh tế và Đô thị, có nhiều cách khác nhau mà các thành phố có thể tăng ngân quỹ, bao gồm những loại thuế về du lịch, thuế bất động sản, thuế đánh vào doanh nghiệp và khoản phí liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cụ thể. Về tài chính, có thể khai thác những nguồn lực “nội sinh”, tài nguyên nằm trong tầm tay của thành phố. Chính quyền địa phương phải tìm cách liên kết việc tạo thu ngân sách với các hoạt động và tăng trưởng đô thị để tài chính địa phương được bền vững trong dài hạn.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam