Định giá nhà nước: Giải pháp “hạ nhiệt” giá sách giáo khoa; Tháo các điểm nghẽn, xốc lại thị trường bất động sản; Áp lực giải phóng mặt bằng vành đai 3; Hàng loạt người bệnh hoại tử xương: Chưa thể khẳng định do Covid-19... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 16/7.
ĐỊNH GIÁ NHÀ NƯỚC: GIẢI PHÁP “HẠ NHIỆT” GIÁ SÁCH GIÁO KHOA
Thông tin sách giáo khoa năm học 2022- 2023 tăng giá gấp 2- 3 lần so với sách năm học cũ khiến nhiều phụ huynh là công nhân thêm gánh nặng cơm áo trong bối cảnh vật giá đều leo thang. Vấn đề này được nhiều báo quan tâm đăng tải.
Báo điện tử VOV có bài viết: Định giá Nhà nước: Giải pháp “hạ nhiệt” giá sách giáo khoa. Cụ thể, nhằm ổn định giá bán, giảm gánh nặng cho các gia đình và kiểm soát, ngăn ngừa việc tăng giá vô tội vạ, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá, theo Nghị quyết của Quốc hội. Sách giáo khoa là mặt hàng rất thiết yếu, cần được đưa vào danh mục Nhà nước định giá thì mới được phép quản lý. Tuy nhiên, nếu định giá trần sách giáo khoa cần phản ánh đầy đủ, chính xác chi phí sản xuất của doanh nghiệp, có tính đến mức lợi nhuận hợp lý để họ có điều kiện và động lực xây dựng sách giáo khoa có chất lượng.
THÁO CÁC ĐIỂM NGHẼN, XỐC LẠI THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Báo Tuổi trẻ đề cập, thời gian tới cần có các giải pháp tháo các điểm nghẽn, không đánh đồng doanh nghiệp, cần có sự phân loại để tạo điều kiện tiếp cận vốn phát triển thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, cần rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao sự minh bạch trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng. Báo Tuổi trẻ cũng đề cập, cần cho phép thí điểm một số kênh huy động nguồn vốn mới như Fintech, đa dạng kênh huy động vốn và cần phân nhóm bất động sản để không đánh đồng, có căn cứ để xác định mức độ rủi ro của từng nhóm doanh nghiệp.
ÁP LỰC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG VÀNH ĐAI 3
Vành đai 3 TP.HCM là dự án giao thông liên kết vùng lớn nhất miền Nam từ trước đến nay. Đây được xem là tuyến đường chiến lược được hàng triệu người mong chờ. Để Vành đai 3 khởi công giữa năm sau theo đúng tiến độ, giải phóng mặt bằng là áp lực rất lớn. Đây là nội dung bài viết được đăng trên báo Điện tử VnExpress.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, TP.HCM cùng các tỉnh đã làm việc và thống nhất quy chế triển khai, với các mốc thời gian cụ thể. Đánh giá việc bồi thường, tái định cư "có tính quyết định" để dự án đúng tiến độ, nhiều ý kiến cho rằng, Vấn đề đầu tiên là việc giao ranh giải phóng mặt bằng cần xong cuối tháng 9. Đồng thời, công tác tái định cư thay vì thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất và chi trả bồi thường như quy định, cần triển khai trước, giúp dự án rút ngắn 4-6 tháng.
HÀNG LOẠT NGƯỜI BỆNH HOẠI TỬ XƯƠNG: CHƯA THỂ KHẲNG ĐỊNH DO COVID-19
Vừa qua, một số bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân hoại tử xương sọ, xương vùng hàm mặt. Trong đó, số bệnh nhân hoại tử xương hàm trên không rõ nguyên nhân tăng bất thường. Chưa thể khẳng định do Covid-19, đây là nội dung bài viết được đăng trên báo điện tử Vietnamnet.
Các bệnh viện chưa xác định được nguyên nhân gây hoại tử xương ở những bệnh nhân gần đây nhưng điểm chung là họ từng mắc Covid-19, không có tiền sử bệnh tai mũi họng hay răng hàm mặt. Báo Vietnamnet cũng đề cập, về lý thuyết, Covid-19 gây rối loạn miễn dịch của cơ thể. Với một số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng, giai đoạn sau Covid-19 có thể nhiễm vi khuẩn hoặc nấm cơ hội, dẫn đến tình trạng sức khỏe diễn biến nặng hơn. Giới chuyên gia cho rằng, các vấn đề sức khỏe gặp phải sau khi mắc Covid-19 rất đa dạng, nhiều bệnh lý còn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nên cơ chế bệnh sinh của chúng đa số mới chỉ là những giả thiết khoa học.