Điểm báo 1/7: Tăng tốc giải ngân đầu tư công: Giảm áp lực lên giá vật liệt xây dựng

Tăng tốc giải ngân đầu tư công: Giảm áp lực lên giá vật liệt xây dựng; Siết quản lý an toàn thực phẩm nông nghiệp; Sản xuất nông nghiệp “xanh” ở thủ đô; Học sinh giỏi chọn ngành sư phạm?... là những thông tin trong mục điểm báo ngày 1/7.

TĂNG TỐC GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG: GIẢM ÁP LỰC LÊN GIÁ VẬT LIỆT XÂY DỰNG

Liên quan đến giải ngân đầu tư công, thời gian qua, giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD) luôn trong tình trạng bất ổn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sớm tăng tốc giải ngân đầu tư công hy vọng giúp hạ nhiệt giảm bớt áp lực đối với các DN ngành xây dựng.

Theo thông tin được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay, Bộ Tài chính ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm mới đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%); vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%). Bên cạnh đó, Chính phủ đang thực hiện chương trình “Phúc lợi và Phát triển”. Trong khi các nước chỉ đang định hướng phục hồi thì Việt Nam lại đặt mục tiêu phát triển mạnh hơn. 

Các chuyên gia kinh tế cho biết, để có thể thực hiện được mục tiêu này, cần cải cách, thay đổi cơ chế thật quyết liệt, bởi sau những thiệt hại thì yếu kém trong cách quản lý điều hành đã lộ dần, có thể kể đến là sự chậm chạp trong quá trình giải ngân đầu tư công. Đầu tư công càng chậm thì nền kinh tế đất nước càng “chảy máu”...  Đầu tư công sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế khi được giải ngân hiệu quả.

SIẾT QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG NGHIỆP

Chuyển sang thông tin khác đáng chú ý cũng được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay. Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, với hơn 10 triệu người cư trú thường xuyên, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được Hà Nội xem là vấn đề hết sức quan trọng. Nguy cơ mất ATTP thực tế vẫn rất đáng lo ngại và cần sự vào cuộc đồng bộ, thường xuyên, quyết liệt của ngành nông nghiệp cùng các địa phương. 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiếp nhận 180 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Kết quả, có 148 cơ sở xếp loại B, 20 cơ sở xếp loại C, 11 cơ sở không đánh giá do sai địa chỉ và loại hình đăng ký không đúng với thực tế sản xuất, kinh doanh. Sở cũng đã cấp 204 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó cấp lại 56 giấy chứng nhận do cơ sở đổi tên địa điểm kinh doanh. 

Để bảo đảm công tác ATTP trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục kiện toàn, tổ chức lực lượng quản lý chất lượng thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường từ TP đến quận, huyện, thị xã đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Cùng với đó, tăng cường công tác lấy mẫu giám sát thực phẩm nông lâm thủy sản trên diện rộng; phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm về ATTP. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm kịp thời các vi phạm.

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP “XANH” Ở THỦ ĐÔ

Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi theo hướng hữu cơ bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân. 

Cụ thể, theo bài viết được đăng tải trên báo nông thôn ngày nay số ra sáng nay, Hiện toàn thành phố Hà Nội đã có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ... cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20% so phương thức sản xuất truyền thống; đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Để bảo đảm an toàn thực phẩm và các yếu tố môi trường, trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.

HỌC SINH GIỎI CHỌN NGÀNH SƯ PHẠM?

Trước yêu cầu của xã hội với nhân lực ngành sư phạm cùng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với sinh viên sư phạm, dự kiến trong mùa tuyển sinh năm nay, số học học sinh giỏi lựa chọn ngành sư phạm sẽ tăng mạnh. Bài viết được đăng tải trên báo Giáo dục và Thời đại. 

Trong 3 năm gần đây, chương trình đào tạo giáo viên của nhà trường đã gắn kết chặt chẽ với các trường mầm non, phổ thông đặc biệt hệ thống ngoài công lập và trường có yếu tố nước ngoài; đưa sinh viên đi thực tế ở một số trường quốc tế, trường chất lượng cao để các em được cọ sát, trưởng thành. Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ để ban hành Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cũng như chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học ngành sư phạm. 

Bộ đang xây dựng chính sách tiền lương mới theo Nghị định 27 của Chính phủ; trong đó quy định tiền lương sẽ hưởng theo vị trí việc làm. Điều này giúp sinh viên mới ra trường có thể trang trải cuộc sống. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm tăng cường liên kết với các sở GD&ĐT để xác định nhu cầu; tiến hành đặt hàng đào tạo đối với các trường sư phạm, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm ngay, xây dựng cơ sở dữ liệu để dự báo số lượng giáo viên về hưu hàng năm, số người chuyển công tác để khi giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm sẽ sát với nhu cầu đào tạo giáo viên hơn.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam