Điểm báo 17/5: Giá vé máy bay lên xuống thất thường, doanh nghiệp trở tay không kịp

Giá vé máy bay lên xuống thất thường, doanh nghiệp trở tay không kịp; Choáng với học phí đại học; Xuất khẩu lao đao vì xu hướng “thắt lưng buộc bụng”; Mặt bằng bán lẻ đã đến lúc 'thay áo mới' ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 17/5/2023.

GIÁ VÉ MÁY BAY LÊN XUỐNG THẤT THƯỜNG, DOANH NGHIỆP TRỞ TAY KHÔNG KỊP

Hàng không và du lịch là hai lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc giá vé máy bay lên xuống thất thường trong thời gian qua khiến nhiều điểm du lịch gặp khó và rơi vào tình trạng bị động. Thông tin đáng chú ý trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay 17/5.

Sự bất thường của thị trường vé máy bay khiến nhiều doanh nghiệp du lịch trở tay không kịp. Thậm chí, việc giá vé máy bay bất ngờ giảm mạnh vào những ngày đầu nghỉ lễ vừa qua không giúp ích cho các công ty du lịch mà còn khiến họ càng trở nên bị động. Nguyên nhân bởi việc giá vé máy bay giảm cận lễ sẽ tạo nên sự so sánh giá, thay vì đặt vé từ sớm du khách sẽ canh đến sát ngày nghỉ mới đặt vé.

Các chuyên gia cho rằng, để xảy ra tình trạng giá vé "tung hứng" bất thường như vừa qua là điều rất nguy hiểm cho cả ngành hàng không lẫn du lịch. Nếu không có những chế tài đủ mạnh, kiểm soát đủ chặt chẽ, sẽ làm méo mó thị trường vé máy bay, từ đó, khiến những lĩnh vực liên quan khác, nhất là du lịch cũng bị ảnh hưởng theo.

CHOÁNG VỚI HỌC PHÍ ĐẠI HỌC

Chính phủ vừa đồng ý phương án các trường đại học (ĐH) thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định 81. Việc tăng học phí là bất khả kháng song điều này đang khiến không ít người lo lắng.

Nhiều trường ĐH dự kiến sẽ tăng 10 - 20% cho năm học 2023 – 2024, thậm chí có trường tăng gấp đôi. Dẫu vậy, khi các trường sớm công khai mức học phí dự kiến trước khi thí sinh đăng ký nguyện vọng các em và gia đình sẽ có tính toán hợp lý, từ đó có quyết định chọn trường, chọn ngành phù hợp với cả năng lực và điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hiện tượng một số trường chưa công bố hoặc nếu có thì cũng là thông tin chung chung khiến thí sinh và phụ huynh băn khoăn không biết hỏi ai.

Theo các chuyên gia, công khai học phí là quyền lợi cũng là nghĩa vụ của tất cả các trường để đảm bảo công bằng, minh bạch trong tuyển sinh ĐH. Không thể mập mờ, chung chung để người học tự hiểu, tự tra, đặc biệt là cần công khai lộ trình tăng học phí cả những năm học sau bởi đã có những trường hợp sinh viên không theo học tiếp được vì khó khăn về kinh tế.

XUẤT KHẨU LAO ĐAO VÌ XU HƯỚNG “THẮT LƯNG BUỘC BỤNG”

Xu hướng “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN - những “điểm đến” chủ yếu của hàng Việt - đang tác động trực diện đến các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thông tin đăng tải trên báo Đầu tư.

Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 28,4 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường khác cũng trong tình trạng suy giảm: EU giảm 14,1%; Nhật Bản giảm 0,9%.....

Đối mặt với khó khăn khi xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao, sản xuất gián đoạn, các doanh nghiệp đồ gỗ, thủy sản, dệt may, da giày… chưa bao giờ chật vật, khó xoay xở như lúc này. Giảm đơn hàng, giá bán sợi lao dốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dự báo, cơ hội phục hồi trở lại cho ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước là có và rất lớn. Vì vậy, các chính sách tháo gỡ khó khăn của Nhà nước, bộ, ngành cho các ngành sản xuất trong giai đoạn này cần nhanh và thực chất.

MẶT BẰNG BÁN LẺ ĐÃ ĐẾN LÚC 'THAY ÁO MỚI'

Sự bùng nổ của thương mại điện tử, thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng... đang tác động không nhỏ đến bất động sản bán lẻ truyền thống.

Cụ thể, các dự án trung tâm thương mại lúc này không còn quá ưu tiên cho thuê các diện tích lớn. Thay vào đó, các trung tâm ưu tiên chào thuê đến nhiều sự đa dạng ngành hàng, cung cấp đa dạng trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng tại Việt Nam hơn. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, mô hình bán lẻ đang chuyển mình từ cửa hàng truyền thống sang một không gian để khách hàng trải nghiệm nhiều hơn.

Trong bối cảnh số hóa như hiện nay, vai trò của các cửa hàng vật lý đang được những thương hiệu định vị lại thành điểm đến kết hợp giữa mua sắm, thư giãn và giải trí. Để nắm bắt những thay đổi mới mẻ này, các chuyên gia cho rằng: Các thương hiệu bán lẻ và chủ nhà nên hợp tác với những đơn vị đại diện uy tín, giúp tối ưu hiệu quả đầu tư.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam