Điểm báo 18/8: Vụ án Việt Á - Điển hình về việc tham nhũng tiêu cực có hệ thống

Vụ án Việt Á - Điển hình về việc tham nhũng tiêu cực có hệ thống; Kiến nghị phạt doanh nghiệp chậm chi tiền hỗ trợ thuê nhà; Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Làm gì để nhà, đất không bị chuyển hóa vào tay tư nhân?; Giáo viên bỏ nghề, vì đâu nên nỗi?; Lao động nữ nông thôn thiệt vì không được đào tạo... là những tin nổi bật trên các mặt báo sáng 18/8.

VỤ ÁN VIỆT Á - ĐIỂN HÌNH VỀ VIỆC THAM NHŨNG TIÊU CỰC CÓ HỆ THỐNG

Thông tin về phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng tiêu cực là nội dung đáng chú ý được nhiều các báo đăng tải sáng 18/8. Trên Đại đoàn kết có bài viết với tiêu đề: Vụ Án Việt Á- điển hình về việc tham nhũng tiêu cực có hệ thống

Theo Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Phấn đấu đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án, xét xử sơ thẩm 25 vụ án, xét xử phúc thẩm 05 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo kế hoạch. Nhất là Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến: Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan; vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC.

KIẾN NGHỊ PHẠT DOANH NGHIỆP CHẬM CHI TIỀN HỖ TRỢ THUÊ NHÀ

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định kiến nghị xử phạt doanh nghiệp chậm chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà đến người lao động. Thông tin mới đây được đăng tải trên báo điện tử Dân trí.

Theo bài viết, hiện nay việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chưa đạt so với kế hoạch là do một số nguyên nhân. Đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động, có tình trạng e ngại liên lụy nếu người lao động khai gian, trục lợi chính sách. Từ đó, các bên yêu cầu người lao động cung cấp các giấy chứng minh phát sinh so với quy định. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp khi xác lập hồ sơ cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thì phải cung cấp danh sách trả lương của người lao động. Trong khi đó, hầu hết các đơn vị này đều né tránh, sợ trách nhiệm, không công khai danh sách trả lương.

CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC: LÀM GÌ ĐỂ NHÀ, ĐẤT KHÔNG BỊ CHUYỂN HÓA VÀO TAY TƯ NHÂN?

 Một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra thất thoát lãng phí tài sản công trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là ở các lỗ hổng pháp lý. Vì vậy, phải tìm cách “vá lỗ hổng pháp lý” này càng sớm càng tốt. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam

Bài viết trích dẫn ý kiến theo báo cáo chưa đầy đủ của 36/74 tập đoàn kinh tế, tổng công ty của 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các DN sau cổ phần hoá đang quản lý, sử dụng hơn 327.000 ha đất chủ yếu theo hình thức thuê đất trả tiền thuê hàng năm. Theo TS. Nguyễn Văn Hiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing cho rằng, Cần ban hành qui định về tính minh bạch hóa thông tin về cổ phần hóa để nhiều bên có liên quan cùng biết và giám sát công tác cổ phần hóa, tránh tình trạng bưng bít thông tin, lợi ích nhóm trong công tác cổ phần hóa. Đồng thời đề cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp; xử lý nghiêm những trường hợp cố ý thực hiện sai, thực hiện không đúng các quy định pháp luật của Nhà nước về cổ phần hóa.

GIÁO VIÊN BỎ NGHỀ, VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Thực trạng giáo viên bỏ nghề đang diễn ra ngày càng phổ biến, trên báo Tiền phong mới đây có bài viết đáng chú ý với tiêu đề: Giáo viên bỏ nghề, vì đâu nên nỗi? 

Một số giáo viên tâm sự, có thâm niên hàng chục năm dạy học nhưng đồng lương vẫn còm cõi, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Sau dịch Covid-19, cơn bão giá ập đến, cuộc sống càng khó khăn khiến họ phải chật vật làm thêm; nhiều người rời bỏ nghề để tìm công việc có thu nhập tốt hơn. Trước thực trạng trên, mới đây Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn đã yêu cầu địa phương báo cáo tình trạng giáo viên nghỉ việc ồ ạt nhằm nắm bắt tình hình cũng như có giải pháp kịp thời trong bối cảnh thiếu giáo viên trầm trọng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

LAO ĐỘNG NỮ NÔNG THÔN THIỆT VÌ KHÔNG   ĐƯỢC ĐÀO TẠO

 Cách mạng công nghệ đang khiến hàng triệu lao động giảm thu nhập, hàng triệu lao động khác có nguy cơ mất việc... Phần đông trong số đó là lao động nữ yếu thế, không qua đào tạo ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Phản ánh vấn đề này trên báo Nông thôn ngày nay có bài viết: Lao động nữ nông thôn thiệt vì không được đào tạo.

Theo bài viết,  Hiện cả nước có 51 triệu lao động, trong đó có khoảng 23 triệu lao động nữ (chiếm hơn 46%). 2/3 trong số lao động nữ là những người ở khu vực nông thôn, thuộc đối tượng lao động yếu thế. Các báo cáo điều tra việc làm đều cho thấy lao động nữ yếu thế hơn về trình độ khi tham gia thị trường lao động. Mới 17% số lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo, trong khi chỉ tiêu là 50%.

Việc làm của lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong các ngành nghề không yêu cầu trình độ cao, có vị thế thấp, dễ tổn thương. Đặc biệt lao động di cư khu vực không chính thức thức chịu nhiều bất lợi. Khoảng cách giới về vấn đề việc làm trong bối cảnh Cách mạng 4.0 ngày càng rộng.