Điểm báo 19/7: “Điểm huyệt” lạm phát sao cho trúng?

“Điểm huyệt” lạm phát; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân: mòn mỏi chờ đợi; "Xóa sổ" thu phí thủ công trên các tuyến cao tốc từ 1/8; Đặt combo du lịch online, làm gì để không hứng "chùm nho xanh"?; Việt Nam quá phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu: Giá liên tục tăng, người nuôi thua lỗ... là những tin tức đáng chú trên các mặt báo sáng 19/7.

“ĐIỂM HUYỆT” LẠM PHÁT 

Nguyên nhân dẫn đến các nguy cơ lạm phát của Việt Nam hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy. Vì vậy, việc cần làm ngay lúc này là tìm cách hạ giá xăng dầu để hạ giá các loại hàng hóa. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.

"Bóng ma" lạm phát đang bao trùm hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, lạm phát có độ trễ so với thế giới và các nước khu vực châu Á, song ngày càng trở nên rõ nét hơn.  Để “ghìm cương” lạm phát, theo TS. Cấn Văn Lực, trước hết Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy tổng cung. Bên cạnh đó là giảm thuế, trong đó có thuế xăng dầu. Bởi lẽ, mặt hàng xăng dầu tại Việt Nam đang đánh thuế gần 40%, khi giá xăng leo cao sẽ khiến tất cả các loại hàng hóa tăng theo. 

HỖ TRỢ TIỀN THUÊ NHÀ CHO CÔNG NHÂN: MÒN MỎI CHỜ ĐỢI 

Dù đã có hướng dẫn chi tiết về thủ tục nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động vẫn rất thấp. Theo quy định, ngày 15/8 tới đây sẽ hết hạn xét duyệt hồ sơ hỗ trợ, liệu việc triển khai chính sách có kịp về đích? Bài viết trên báo đại đoàn kết.

Làm hồ sơ 2 tháng chưa được nhận hỗ trợ Đây là phản ánh của nhiều người lao động khi được hỏi về việc giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.  Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, So với khoản tiền cần phải giải ngân hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động, tỉ lệ đã giải ngân còn rất thấp. Nguyên nhân do nhiều địa phương chờ Quyết định 791/QĐ-TTg ngày 3/7/2022 về nguồn kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số địa phương “sợ sai” nên yêu cầu thêm các thông tin xác nhận. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ giải ngân gói hỗ trợ thấp còn là do các địa phương chờ kinh phí từ Trung ương, chưa chủ động bố trí nguồn thực hiện.

"XÓA SỔ" THU PHÍ THỦ CÔNG TRÊN CÁC TUYẾN CAO TỐC TỪ 1/8 

Bộ Giao thông vận tải cho biết, từ 1/8 tới đây, trên các tuyến cao tốc toàn quốc chỉ thu phí tự động không dừng (ETC). 

Theo bài viết trên báo điện tử Dân trí, hiện cả nước có 4,5 triệu ô tô, trong đó hơn 3,2 triệu xe đã dán thẻ ETC, đạt hơn 71%. Trong khi đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã tổ chức thí điểm thu phí toàn bộ theo hình thức tự động không dừng từ ngày 1/6 và đạt kết quả tốt, đây là cơ sở để triển khai đồng bộ việc thu phí ETC các tuyến cao tốc. Từ ngày 1/8 sẽ thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc. Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phương án phân luồng, tổ chức giao thông bảo đảm trật tự, an toàn, kết nối liên thông để triển khai chủ trương chỉ duy trì một làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy tại các trạm thu phí.

ĐẶT COMBO DU LỊCH ONLINE, LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG HỨNG “CHÙM NHO XANH”? 

Du lịch bước vào mùa cao điểm, không ít câu chuyện bị lừa tiền cọc khi đặt tour online xảy ra. Trên báo Tuổi trẻ có bài viết phản ánh về vấn đề này.

Để tránh biến bản thân thành "con mồi" cho những kẻ lừa đảo cơ hội, du khách cần trang bị cho mình các kiến thức cơ bản khi có ý định đặt tour online.  Việc đặt tour qua các ứng dụng du lịch hay đặt qua trung gian đều có những ưu điểm và hạn chế. Để tránh bị lừa đặt cọc khi mua tour online, người mua cần lưu ý như cần kiểm tra, xác minh thông tin người tư vấn, bán tour từ nhiều nguồn khác nhau, cẩn trọng khi chuyển tiền cọc hay thanh toán tour bằng hình thức chuyển khoản… Nếu nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để được hỗ trợ. 

VIỆT NAM QUÁ PHỤ THUỘC NGUYÊN LIỆU THỨC ĂN CHĂN NUÔI NHẬP KHẨU: GIÁ LIÊN TỤC TĂNG, NGƯỜI NUÔI THUA LỖ 

Năm 2021, Việt Nam chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường chủ đạo đều tăng so với năm 2020. 

Theo bài viết trên báo Nông thôn ngày nay, Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu làm giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn ở mức cao. Trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh do nhà hàng, khu công nghiệp giảm tiêu thụ..., khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Dự báo, giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chính có thể tăng trong năm 2022, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chi phí logistics chưa thể hạ nhiệt. Việc này sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi.