Điểm báo 20/12: Giá bán vật nuôi thấp, lượng thịt nhập khẩu nhiều: Người chăn nuôi chịu áp lực kép

Giá bán vật nuôi thấp, lượng thịt nhập khẩu nhiều: Người chăn nuôi chịu áp lực kép; Chuyển đổi năng lượng vận hành xe buýt: Cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; Việc làm giảm, thưởng tết cũng giảm; Rét đậm, nguồn cung khan hiếm khiến giá rau xanh tăng mạnh ... là những tin chính có trong điểm báo sáng 20/12.

GIÁ BÁN VẬT NUÔI THẤP, LƯỢNG THỊT NHẬP KHẨU NHIỀU: NGƯỜI CHĂN NUÔI CHỊU ÁP LỰC KÉP

Trong khi chăn nuôi trong nước, đặc biệt là ngành nuôi lợn đang trong cảnh thua lỗ, giá bán ra thấp hơn giá thành thì người chăn nuôi vẫn đang tiếp tục gánh thêm sức ép lớn từ các loại thịt nhập khẩu. Thông tin bài viết đăng tải trên báo Nông thôn ngày nay số ra sáng nay.

Vấn đề bà con quan tâm Hiện nay làm thế nào để tăng giá lợn hơi, giúp bà con đảm bảo lợi nhuận, bởi với chi phí đầu vào hiện nay, giá thành sản xuất 1 kg lợn hơi tăng lên mức 55.000 đồng/kg. Nếu đàn lợn tăng trưởng không tốt hoặc hao hụt vì dịch bệnh cao, giá thành có thể đội lên trên 60.000 đồng/kg. Trong khi người chăn nuôi trong nước đang phải vật lộn, gánh lỗ để duy trì sản xuất thì từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu các loại thịt, gây thêm áp lực cho thị trường trong nước. Theo các chuyên gia, để bảo vệ ngành chăn nuôi gia cầm trong nước, cơ quan quản lý nhà nước cần phải hạn chế nhập khẩu thịt. Đối với nhập khẩu chính ngạch, phải kiểm soát chặt việc nhập khẩu thịt gần hết hạn sử dụng. Đối với nhập khẩu trâu, bò... qua đường tiểu ngạch, phải dừng ngay bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh và thực phẩm không đảm bảo an toàn.

CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG VẬN HÀNH XE BUÝT: CẦN CÓ CƠ CHẾ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP 

Trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay có bài viết liên quan đến chuyển đổi năng lượng vận hành xe buýt. Theo bài viết, Hà Nội đang có những bước đi đột phá trong quá trình thực hiện mục tiêu thay thế xe buýt chạy bằng năng lượng điện và sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG) nhằm giảm phát thải ra môi trường.

Hiện trạng phương tiện xe buýt của Hà Nội được đánh giá là đạt chất lượng. Theo các chuyên gia, để đạt tiêu chí xanh trọn vẹn còn là sự kết hợp giữa phương tiện, con người và chất lượng dịch vụ, điểm dừng, thông tin, wifi... Đồng thời, việc Hà Nội đưa vào sử dụng 139 xe chạy điện là bước thay đổi rất đột phá, cách mạng trong đội xe buýt phục vụ vận tải khách công cộng trên địa bàn TP. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để một đô thị lớn như Hà Nội đưa toàn bộ phương tiện mới vào chạy hoàn toàn bằng điện hoặc sử dụng nhiên liệu sạch sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính doanh nghiệp cũng như cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất vay cho các đơn vị đầu tư xây dựng phương án, đề án đầu tư, đổi mới phương tiện xe buýt vì giá xe điện cao hơn giá xe diesel khoảng 2,5 lần.

VIỆC LÀM GIẢM, THƯỞNG TẾT CŨNG GIẢM

Theo một bài viết được đăng tải trên báo Đại đoàn kết, dự báo dịp tết nguyên đán 2023 sẽ có nhiều người lao động bị giảm thưởng tết, thậm chí không có thưởng tết.

 Đưa ra dự báo về mức thưởng Tết năm 2023, Sở LĐTB&XH TP Hà Nội cho biết, tiền thưởng của người lao động sẽ giảm hơn so với năm 2022, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ. Nguyên nhân do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động đã tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công. Để có giải pháp hỗ trợ người lao động tìm việc làm, Sở LĐTB&XH TP Hà Nội đã giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu lao động. Theo đó, riêng dịp cuối năm, đơn vị sẽ tăng cường kết nối phiên giao dịch việc làm với các địa phương để tăng cơ hội tìm việc cho người lao động.

RÉT ĐẬM, NGUỒN CUNG KHAN HIẾM KHIẾN GIÁ RAU XANH TĂNG MẠNH

Những ngày qua, thời tiết miền Bắc ít mưa, rét đậm là nguyên nhân khiến giá rau xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục "tăng nhiệt" và dự báo rau xanh vẫn khan hiếm và giữ giá cao trong những ngày tới.

Giải thích nguyên nhân rau tăng giá, một số tiểu thương cho rằng rau đợt này đắt bởi đợt trước nồm, sâu bệnh nhiều làm hỏng hết rau, sau lại dính đợt rét đậm, rau đắt lên nhiều. Trước chỉ độ 20 - 25 ngày có một lứa rau bán được, bây giờ hơn một tháng thì mới bán được. Nếu thời tiết rét kéo dài thế này thì rau đắt dài. Tại một số chợ “online” giá các loại rau đắt hơn giá rau bán tại chợ truyền thống. Rau xanh tăng giá không chỉ khiến người tiêu dùng "lao đao" mà cả các tiểu thương tại chợ cũng phải giảm nguồn hàng nhập vào. Theo Dự báo của chuyên gia nông nghiệp, từ nay tới Tết Nguyên đán 2023, rau xanh còn khan hiếm và giá cao. Nguyên nhân là do thời tiết ít mưa, trời rét đậm khiến sâu bệnh phát triển. Trời rét đậm cũng làm rau chậm phát triển. Cùng với đó, giá vật tư sản xuất và công lao động đều tăng thêm 50 - 70% so với năm trước, dẫn đến đội giá thành sản phẩm.