Điểm báo 21/5: Làm thế nào để ổn định thị trường xăng dầu trong nước?

Những nội dung đáng chú ý: Không thể trông chờ vào việc giảm thuế; Kết nối, chia sẻ thông tin để phân luồng hàng hoá xuất nhập khẩu; Hà Nội chấn chỉnh hoạt động đấu giá tài sản; Kết nối doanh nghiệp với nông dân.

KHÔNG THỂ TRÔNG CHỜ VÀO VIỆC GIẢM THUẾ

Trên các báo sáng nay có gì, mời quý vị cùng chúng tôi điểm qua. Trước áp lực của giá thế giới, giá xăng trong nước có khả năng được điều chỉnh vượt ngưỡng 30.000 đồng/l, điều này gây áp lực lạm phát giá tiêu dùng, kìm hãm quá trình phục hồi nền kinh tế. Vậy cách nào để ổn định giá thị trường nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới?. 

Theo thông tin đăng tải mới nhất số ra sáng nay trên Thời báo tài chính Việt Nam, chuyên gia kinh tế cho biết, để bình ổn giá thị trường, cơ quan nhà nước phải tính toán được cấu thành sản phẩm của doanh nghiệp. Khi có giá thành chuẩn xác thì cơ quan nhà nước mới có thể quản được giá bán của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng tăng giá kiểu “té nước theo mưa” như đã và đang xảy ra lâu nay. Cũng theo chuyên gia, cần duy trì và sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn là công cụ giúp Nhà nước có thể điều chỉnh được hoạt động của nền kinh tế. Giảm thuế không hẳn đã tích cực mà sẽ trở thành tiêu cực nếu việc giảm thuế đó không có địa chỉ, cào bằng, gây mất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

KẾT NỐI, CHIA SẺ THÔNG TIN ĐỂ PHÂN LUỒNG HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU

Một thông tin khác đáng chú ý cũng được đưa trên Thời báo Tài chính Việt Nam, liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá. Theo đó, tính đến nay, hệ thống hải quan điện tử đang theo dõi đánh giá hơn 182 nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu; thực hiện phân tích khoảng hơn 1 triệu chỉ số tiêu chí/năm, đảm bảo phân luồng thông suốt gần 100 triệu tờ khai. Những con số này sẽ còn tiếp tục tăng theo đà phát triển của thương mại quốc tế. Sự liên kết chặt chẽ về thông tin giữa các cơ quan đơn vị sẽ là mấu chốt để vừa quản lý tốt và vừa tạo thuận lợi thương mại.

Thực tế, phần lớn các lô hàng xuất nhập khẩu hiện nay, hệ thống thông quan điện tử của cơ quan hải quan chỉ chọn ra khoảng 5% số hàng được xác định là có nguy cơ cao nhất để phân vào luồng đỏ, tức là kiểm tra thực tế. Việc kiểm soát có chọn lọc đã giúp hàng hóa được thông quan nhanh chóng, an toàn và giảm tải cho hải quan. Máy tính tự động phân tích những dữ liệu điện tử được nạp vào và phân luồng hàng hóa một cách chính xác. Để thúc đẩy quá trình này, Tổng cục Hải quan đã phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh số hóa; hỗ trợ chuyển đổi số của doanh nghiệp, các bộ ngành và các bên liên quan để đảm bảo sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi số về nghiệp vụ của ngành Hải quan. Hy vọng với kế hoạch này, việc chia sẻ dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ ngày càng chặt chẽ, nhưng vẫn đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

HÀ NỘI CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN 

UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc đưa quyền sử dụng đất ra đấu giá, xử lý nghiêm vi phạm đấu giá tài sản. Thông tin được đăng tải trên báo điện tử VTV News. 

Theo đó, Để hoạt động đấu giá tài sản nói chung, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện đấu giá. UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan tham mưu việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản để đưa ra đấu giá, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, sát với giá thị trường; đồng thời, chủ động lấy ý kiến góp ý các sở, ngành có liên quan đối với phương án đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản do Sở dự thảo để hoàn thiện trước khi trình UBND thành phố ban hành.

KẾT NỐI DOANH NGHIỆP VỚI NÔNG DÂN 

Tạo “cầu nối” để doanh nghiệp và các trang trại, hợp tác xã, hộ nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó có việc kết nối để tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối có uy tín. Đây cũng là nền tảng để Hà Nội thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thông tin được đăng tải trên báo Hà Nội mới, hiện nay, Thành phố  Hà Nội có 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Hà Nội còn có hơn 7.000 sản phẩm nông nghiệp đã gắn mã QR truy xuất nguồn gốc và hơn 1.500 sản phẩm OCOP. Đây là tiềm năng và cũng là nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Để hỗ trợ người sản xuất, thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, phối hợp với các bên liên quan và các sàn thương mại điện tử tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng cho các hộ sản xuất. Các sàn thương mại điện tử xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ sản xuất trong quá trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử…