Điểm báo 25/02/2022: Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA

Mời quý vị cùng tôi điểm qua một số bài viết nổi bật được các báo đăng tải sáng ngày 25/02: Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA theo sáng kiến của WHO; 81% người được hỏi cho biết, sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng Covid-19;, Công nhân mắc COVID-19 tăng cao, giải bài toán thiếu hụt lao động thế nào?...

VIỆT NAM ĐƯỢC LỰA CHỌN NHẬN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ VẮC-XIN MRNA

Việt Nam là 1 trong 5 nước được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố là nước tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA từ trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA của WHO. Thông tin trên Thời báo Tài chính Việt Nam. Theo bài viết, WHO công bố thêm 5 nước được lựa chọn tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA theo sáng kiến Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập tại Nam Phi. Việt Nam cùng với Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbi là các nước đủ điều kiện, năng lực được WHO công bố nhận chuyển giao công nghệ, cùng với hỗ trợ đào tạo có thể chuyển sang giai đoạn sản xuất khá nhanh chóng. Công nghệ vắc-xin mRNA là công nghệ tiên tiến để sản xuất vắc-xin an toàn và hiệu quả cao như Moderna, Pfizer ngừa Covid-19; cho phép cập nhật với các biến chủng mới và sản xuất với số lượng lớn, do đó không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống Covid-19, mà còn giúp chủ động ứng phó tốt hơn với các dịch bệnh khác trong tương lai.

81% NGƯỜI ĐƯỢC HỎI SẴN SÀNG ĐƯA TRẺ 5-11 TUỔI ĐI TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19

Một thông tin đáng chú ý  trên báo Tiền phong, mới đây Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã triển khai cuộc thăm dò dư luận tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu thập những thông tin khách quan về ý kiến của các tầng lớp nhân dân xung quanh việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Kết quả thăm dò về mức độ sẵn sàng đưa trẻ em từ 5-11 tuổi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho thấy đại đa số ý kiến, chiếm 81% cho rằng họ "sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng COVID-19" nếu ngành Y tế tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời gian tới. Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi là 80%. Tỷ lệ "do dự hoặc chưa muốn đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng COVID-19" là 12%. Chỉ có 3%cho rằng họ "không sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng COVID-19". Thông tin từ thăm dò này cũng cho thấy đa số ý kiến cho biết họ sẵn sàng cho con, cháu đi tiêm vì: "Mong muốn con, cháu mình được an toàn trước dịch bệnh, nếu có nhiễm bệnh cũng nhanh khỏi, không bị nặng".

CÔNG NHÂN MẮC COVID-19 TĂNG CAO, GIẢI BÀI TOÁN THIẾU HỤT LAO ĐỘNG THẾ NÀO?

Trao đổi trên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở GD&ĐT chưa có phương án đề xuất mốc trở lại trường học trực tiếp đối với cấp tiểu học và lớp 6 thuộc 12 quận nội thành. Việc đưa học sinh trở lại trường học được Sở GD&ĐT Hà Nội nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về mọi mặt, trong đó đặc biệt quan tâm đến diễn biến thực tế của dịch Covid-19 trên địa bàn và công tác chuẩn bị của các địa phương, nhà trường với phương châm được đặt lên hàng đầu là bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh. Chỉ khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các điều kiện đón học sinh bảo đảm an toàn, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP Hà Nội về lộ trình cụ thể. Do vậy, thông tin học sinh tiểu học, lớp 6 nội thành sẽ đi học trực tiếp từ 1/3 là chưa chính xác.

SÁCH TIẾNG VIỆT 1 CHƯA DẠY CHỮ P LÀ MỘT VIỆC LÀM KHÓ HIỂU

Sách Tiếng Việt 1, tập 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam, do tác giả Bùi Mạnh Hùng làm chủ biên, đã bỏ chữ cái P ra khỏi danh mục. Việc làm này đang khiến nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh và dư luận hết sức bất ngờ. Không ít chuyên gia bày tỏ nghi ngại về vấn đề này. Bài viết trên báo Đại đoàn kết. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiếng Việt là kết quả của giao lưu văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc trên đất Việt Nam và cả với các ngôn ngữ khác trên thế giới. Do vậy, đối với chữ cái P, khi xét vị trí của nó trong tiếng Việt, phải tính đến cả vị trí của nó trong các từ chung và các từ chỉ tên riêng. Việc bỏ không dạy chữ P độc lập và chữ P đi với nguyên âm là một việc làm khó hiểu và không thể biện minh./.