Điểm báo 26/9: Chuẩn bị ứng phó với siêu bão Noru: Sẵn sàng sơ tán hơn 860.000 người

Những thông tin đáng chú ý trên các mặt báo sáng 26/9 gồm: Chuẩn bị ứng phó với siêu bão Noru: sẵn sàng sơ tán hơn 860.000 người; Doanh nghiệp lo gặp khó nếu lãi suất cho vay tăng; Cần sớm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng; Tránh “đứt gãy” do tác động tiêu cực của nền kinh tế, doanh nghiệp thiết kế lại mô hình làm việc.

CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ VỚI SIÊU BÃO NORU: SẴN SÀNG SƠ TÁN HƠN 860.000 NGƯỜI

Tiếp tục chương trình, mời quý vị cùng cập nhật tin tức từ các mặt báo ra sáng nay. Trên trang nhất báo Nông thôn ngày nay, Bão Noru với tốc độ di chuyển rất nhanh, dự báo cấp 13 và giật cấp 16, phạm vi ảnh hưởng rộng. Để chủ động ứng phó với bão Noru, các tỉnh, thành phố đã và đang khẩn trương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống khi bão đổ bộ, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Theo dự báo, rạng sáng ngày 26/9, bão đi vào Biển Đông (bão số 4) với cường độ cấp 13, giật cấp 16 và tiếp tục duy trì cường độ trong ngày 27/9; đêm 27/9, rạng sáng 28/9, bão đổ bộ vào khu vực miền Trung (dự kiến từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi). Và bão Noru được đánh giá là cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ. Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu với hơn 300.000 lao động. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.

DOANH NGHIỆP LO GẶP KHÓ NẾU LÃI SUẤT CHO VAY TĂNG

Ngay trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra đầu tuần đăng tải, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động của các ngân hàng đã được nâng lên ở nhiều kỳ hạn. Trong khi DN lại lo lãi suất cho vay tăng lên. Giới phân tích dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm phần trăm từ mức hiện tại vào cuối năm nay. Lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng ở các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm nay. Và sẽ tăng lên mức 6,6 - 6,8%/năm vào cuối năm 2023. Khi tăng lãi suất cho vay tăng, các DN cần sử dụng vốn phải tiết kiệm hơn. Các DN cần tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, cần phải đảm bảo các hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có thể thu lợi như giảm chi phí sản xuất bằng cách tìm những nguồn cung cấp hàng hóa đầu vào có giá cả thấp hơn hoặc cho chậm trả. Ngoài ra, cần phải đa dạng hóa nguồn vốn như phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu bổ sung.

CẦN SỚM GIẢM THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VỚI XĂNG

Còn trên trang báo Đại đoàn kết sáng 26/9 đăng tải bài viết, đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng trong công văn mà Bộ Tài chính trình Chính phủ để xin ý kiến đang nhận được dư luận tích cực. Thậm chí nhiều người còn cho rằng với xăng, dầu nên bỏ hẳn loại thuế này, tạo thêm dư địa để giảm giá xăng, dầu. Theo các chuyên gia, Cần tạm ngưng thu tất cả loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, chấp nhận hụt thu ngân sách để hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng. Dư địa giảm thuế còn nên cần giảm mạnh chứ không nên giảm nhỏ giọt. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi từ việc giá xăng dầu tăng cao, vậy tại sao không dùng số lợi nhuận đó để san sẻ nỗi lo với Nhà nước, với người dân? Và đã đến lúc phải xem xét việc loại bỏ lợi nhuận định mức đối với nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, cũng có chuyên gia cho rằng giá xăng dầu hiện nay cõng thuế, phí lên gần 35% là quá cao, cần điều chỉnh mức chi phối của thuế phí xuống một nửa so với hiện nay. Trong bối cảnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển sau đại dịch thì xem xét giảm nhiều mức thuế tiêu thụ đặc biệt.

TRÁNH “ĐỨT GÃY” DO TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA NỀN KINH TẾ, DOANH NGHIỆP THIẾT KẾ LẠI MÔ HÌNH LÀM VIỆC

Doanh nghiệp cần áp dụng các mô hình làm việc mới “giải mã” được 4 yếu tố chính để ứng phó với những tác động từ đà suy giảm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, rủi ro lạm phát leo thang và đứt gãy chuỗi giá trị…Hiện Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút đầu tư hàng đầu khu vực và thế giới nếu so tỷ lệ % của FDI so với GDP một quốc gia thì Việt Nam đứng hàng đầu trong khu vực và thậm chí là thế giới. Nhờ có dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu cũng thay đổi theo hướng tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao với sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn. Do vậy, Việt nam cần mô hình làm việc trong tương lai phải “giải mã” được 4 yếu tố: phát triển các phương thức làm việc mới; quản lý trao quyền và truyền cảm hứng, xây dựng văn hoá gắn kết, và quản lý có trách nhiệm xã hội…; cách tổ chức đối ứng nhưng bền bỉ với việc triển khai đội nhóm linh hoạt, tập trung vào đồng thuận và trao quyền trong phạm vi…; và một môi trường thông minh với không gian thiết kế và địa điểm với tiêu chí “nhân viên là trọng tâm”, áp dụng công nghệ, tổ chức đào tạo.

Ngô Trang