Điểm báo 27/04: Phát triển tiền tệ chứng khoán theo đúng lộ trình và mục tiêu

Tăng cường sức chống chịu cho nền kinh tế; Phát triển tiền tệ chứng khoán theo đúng lộ trình và mục tiêu; Tháo gỡ nút thắt các dự án văn hoá, thể thao; Giải bài toán thiếu hụt nhân lực du lịch... là những nội dung chính trong mục điểm báo ngày 27/4.

TĂNG SỨC CHỐNG CHỊU CHO NỀN KINH TẾ (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12%. Đây là một nội dung được nhiều người chú ý trong dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi của Bộ Tài chính. Thông tin được đăng tải trên báo Đại đoàn kết.

Theo đó, giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (nếu được chấp thuận) sẽ là đợt giảm thuế thứ hai với xăng dầu sau lần giảm Thuế Bảo vệ môi trường mới đây. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc tiếp tục giảm một số loại thuế đối với xăng dầu là cần thiết, vì sẽ từ từ kéo giảm giá mặt hàng chiến lược này trong lúc thị trường thế giới chao đảo. Điều đó cũng làm tăng sức chống chịu cho nền kinh tế sau hơn 2 năm gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19; góp phần tích cực ổn định giá cả thị trường, từ đó bữa ăn hàng ngày của người dân cũng sẽ được cải thiện.

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THEO ĐÚNG LỘ TRÌNH VÀ MỤC TIÊU 

Liên quan đến tin tức về chứng khoán, Thời báo ngân hàng cho biết trước những diễn biến cùng các động thái thanh lọc thị trường chứng khoán (TTCK) của cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua không phải là để thay đổi chính sách mà để tăng cường quản lý giám sát, tăng cường xử phạt nghiêm minh, đảm bảo sự phát triển của thị trường chứng khoán theo đúng lộ trình và mục tiêu đã đề ra. 

Theo đó, từ giai đoạn 2015 - 2021, Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thực hiện gần 500 cuộc thanh tra và kiểm tra, sau đó dựa trên cơ sở các kết quả thanh tra và kiểm tra, UBCKNN đã ban hành các quyết định xử phạt hành chính lên đến hơn 2.500 tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, UBCKNN cũng đã phối hợp với các cơ quan điều tra khởi tố một số dự án liên quan đến các vi phạm nghiêm trọng các quy định trên thị trường chứng khoán như DVD, CDO hoặc MTM... 

Bên cạnh đó, ngay từ năm 2019, Luật Chứng khoán đã đưa vào rất nhiều quy định mới để tăng cường chế tài mới, các biện pháp quản lý giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK. Có thể thấy rằng, các động thái gần đây của cơ quan quản lý là hoạt động thường xuyên và liên tục từ trước đến nay. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là hành động cần thiết của các cơ quan chức năng để giúp thị trường phát triển lâu dài. Đồng thời, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều dấu hiệu lạc quan để nhà đầu tư có thể yên tâm về sự phát triển của thị trường.

THÁO GỠ NÚT THẮT CÁC DỰ ÁN VĂN HOÁ, THỂ THAO 

Đăng tải thông tin trên Thời báo Tài chính Việt Nam số ra sáng nay, mặc dù hệ thống các thiết chế văn hóa ngày càng được TP. Hà Nội quan tâm đầu tư, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều dự án chưa được triển khai và cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chính quyền.

Qua giám sát của Thường trực HĐND TP. Hà Nội,  bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới. Đó là, các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo; chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân; việc đầu tư các công trình bằng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế; việc huy động xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao đạt kết quả chưa cao; nhiều công trình được đầu tư xây dựng nhưng việc quản lý, khai thác còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả...  

Thời gian tới, UBND TP. Hà Nội tiếp tục tăng cường tập trung quy hoạch tổng thể thiết chế văn hóa cơ sở. Đáng chú ý, thành phố sẽ quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao. Đồng thời, sẽ dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa. Hà Nội cũng sẽ bố trí ngân sách trong kế hoạch hàng năm để đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa, tăng cường quy chế quản lý sau đầu tư.

GIẢI BÀI TOÁN THIẾU HỤT NHÂN LỰC DU LỊCH 

Du lịch chính thức mở cửa lại đã đặt ra bài toán về nguồn nhân lực của ngành này. Giải bài toán thiếu hụt nhân lực du lịch sau đại dịch Covid -19 cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. 

Theo thông tin đăng trên báo Điện tử Chính phủ, nhân lực du lịch trở nên thiếu hụt nghiêm trọng sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp lữ hành rơi vào khủng hoảng, 90-95% doanh nghiệp dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự. 

Nếu như năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch thì đến năm 2020, gần 80% nhân sự của ngành này bị cắt giảm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Năm 2021, chỉ 25% lao động trong số còn lại làm việc đủ thời gian. 

Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành du  lịch, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng, tiết kiệm chi phí... cho cả hai bên. Ngoài sự kết hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, các ngành liên quan cần tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, đào tạo lại và cung ứng nguồn nhân lực; phối hợp xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, sát với yêu cầu sử dụng lao động và văn hóa của doanh nghiệp.