Điểm báo 28/10: Giá vàng cuối năm còn chịu nhiều sức ép

Giá vàng cuối năm còn chịu nhiều sức ép; Xe dù, bến cóc lại bùng phát: Vì sao dẹp mãi không xong?; Đại biểu Quốc hội: Để giáo viên sống được bằng lương; Lãi suất, tỉ giá tăng: doanh nghiệp phải làm gì để ngừa rủi ro?... là những tin tức đáng chủ ý sáng 28/10.

GIÁ VÀNG CUỐI NĂM CÒN CHỊU NHIỀU SỨC ÉP

Tính từ khi lập đỉnh vào tháng 3/2022 ở ngưỡng khoảng trên 2.000USD/ounce (aoz), giá vàng từ đó đến nay đã giảm ước tính khoảng 11%. Lạm phát tăng vọt khắp nơi trên toàn cầu. Do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới phải tăng lãi suất. Động thái này khiến giá vàng chịu áp lực. “Giá vàng cuối năm còn chịu nhiều sức ép” là bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Đại diện một số DN kinh doanh vàng nhận định, giá USD gần đây tăng cao làm cho thị trường vàng càng trở nên ảm đạm. Vàng hiện nay đang mất đi tính hấp dẫn trong đầu tư vì tỷ lệ lợi nhuận rất thấp. Trong khi nhiều thị trường khác như bất động sản, lãi suất tiền gửi và các kênh huy động khác đang thu hút lượng vốn lớn từ người dân, đây là nguy cơ khiến giao dịch càng trầm lắng. Báo Kinh tế và Đô thị trích dẫn ý kiến 1 số chuyên gia cho rằng, Hãy thận trọng khi mua vàng thời điểm này vì hoạt động bán tháo vàng đang diễn ra từ nhiều tháng nay trên thị trường quốc tế.

XE DÙ, BẾN CÓC LẠI BÙNG PHÁT: VÌ SAO DẸP MÃI KHÔNG XONG?

Mới đây, khi TP Hồ Chí Minh chuyển các tuyến xe khách liên tỉnh ra khỏi bến xe Miền Đông cũ thì tình trạng xe dù, bến cóc lại càng nở rộ. Xe dù, bến cóc vẫn hoạt động nhộn nhịp trong nội đô, kể cả khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. Bài viết trên báo Tuổi trẻ.

Theo báo Tuổi trẻ, các biện pháp xử lý hiện nay chưa đủ nghiêm nên xe dù vẫn chạy loạn xạ dưới hình thức xe trá hình, xe hợp đồng, bến cóc mọc lên dưới nhiều hình thức. "

TP Hồ Chí Minh muốn chấm dứt nạn xe dù, bến cóc cần thiết sớm thực hiện cấm xe khách giường nằm vào khu vực trung tâm. Hiện  TP Hồ Chí Minh có 107 điểm hoạt động đón trả khách sai quy định. Trong tháng 10, Thanh tra sở đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra, xử lý các xe vi phạm theo thẩm quyền.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI: ĐỂ GIÁO VIÊN SỐNG ĐƯỢC BẰNG LƯƠNG

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội trăn trở trước tình trạng nhiều giáo viên xin nghỉ việc do lương không đủ sống và áp lực công việc.

Bày tỏ quan ngại về tình trạng cán bộ công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ nhà giáo nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Điều đáng lo ngại là, trong thời gian ngắn, chuyện nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là điều không bình thường. Do đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng báo cáo số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc. Cần làm rõ nguyên nhân do đâu? Ngoài thu nhập, áp lực công việc còn có những nguyên nhân nào nữa không? Đồng thời, ngành Nội vụ cũng cần nghiên cứu, xem xét lại về việc tinh giản biên chế giữa các ngành, địa phương, tránh tình trạng lĩnh vực cần giảm thì lại tăng, còn lĩnh vực cần bổ sung nhân lực thì lại giảm.

LÃI SUẤT, TỈ GIÁ TĂNG: DOANH NGHIỆP PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NGỪA RỦI RO?

Trước biến động của lãi suất và tỉ giá, áp lực lạm phát lan rộng ở nhiều quốc gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa điều chỉnh tăng thêm 1% lãi suất điều hành. Trước xu thế tăng lãi suất, tỉ giá khó cưỡng này, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh và lựa chọn giải pháp, tăng cường phòng ngừa rủi ro. Bài viết trên báo Tiền phong.

Theo Báo Tiền phong, thời gian tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất khiến đồng USD tiếp tục tăng giá, gây áp lực lên tỉ giá và lãi suất của Việt Nam. Việc nới biên độ giao dịch VND/USD là bước đi cần thiết, để Việt Nam chủ động phòng ngừa trước việc USD tăng giá. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất thêm 1% cũng không quá ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Nếu lãi suất cho vay có tăng cũng sẽ ở khoảng 0,5%. Các ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động và NHNN sẽ có động thái can thiệp để giúp chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm đi.