Điểm báo 5/8: Không để giá hàng hoá “cố thủ” chậm giảm theo giá xăng dầu

Lên kịch bản ứng phó với dịch đậu mùa khỉ; Bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; Thị trường chứng khoán: Nhiều tín hiệu tích cực, có khả năng bước vào giai đoạn phục hồi; Không để giá hàng hoá “cố thủ” chậm giảm theo giá xăng dầu ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 5/8/2022.

LÊN KỊCH BẢN ỨNG PHÓ VỚI DỊCH ĐẬU MÙA KHỈ

Hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện cùng lúc trong đó có nguy cơ dịch đậu mùa khỉ đang tạo nhiều thách thức cho ngành y tế Việt Nam. Đây là thông tin đáng chú ý trong số ra sáng nay trên báo Nông thôn ngày nay. 

Bệnh đậu mùa khỉ, hiện Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, song một số quốc gia và vùng lãnh thổ bên cạnh Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh. Dù WHO chưa có báo cáo ca bệnh tại Việt Nam nhưng theo phân tích của các chuyên gia việc xuất hiện ca bệnh tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian, hoặc có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng. Vì vậy, cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế - những người có nguy cơ cao.

BẢO ĐẢM NGUỒN CUNG CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU 

Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu, Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng cường kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Theo bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay, Trung bình mỗi năm, Hà Nội vẫn khai thác từ ngoại tỉnh khoảng 38.700 tấn đường, 19.300 tấn gia vị, 77 triệu lít dầu ăn và hơn 50.000 tấn thực phẩm chế biến các loại. Để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân đang cư trú trên địa bàn Thủ đô, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tập trung rà soát, nắm bắt các cơ sở sản xuất chăn nuôi, trồng trọt; từ đó có những hỗ trợ nhằm phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm, nhất là thịt gia súc - gia cầm, rau củ quả, thực phẩm chế biến các loại.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN: NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC, CÓ KHẢ NĂNG BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN PHỤC HỒI

Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, nối tiếp xu hướng tích cực, những phiên giao dịch gần đây thị trường chứng khoán tiếp tục bứt phá mạnh mẽ. Điểm sáng lớn nhất là dòng tiền cải thiện đáng kể khi thanh khoản trong 4 phiên liên tiếp duy trì trên mức 15 nghìn tỷ đồng.  

Đánh giá về diễn biến của thị trường, các chuyên gia kinh tế nhận định, Dư địa tăng điểm của VN-Index vẫn đang khá lớn và có xác suất cao sẽ tiếp tục trong các phiên tới. Hiện tại, VN-Index đang tiếp cận rất gần mốc kháng cự kỳ vọng khá mạnh 1.260-1.280 điểm, nên khả năng sẽ xảy ra rung lắc ở mốc này. Trong khi đó, cũng có ý kiến dự báo rằng, thị trường sẽ duy trì đà tăng trong phiên kế tiếp, xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên khi chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức hỗ trợ 1.220 điểm của đường trung bình 50 phiên. Tuy thị trường có nhiều tín hiệu tích cực, song giới chuyên gia vẫn cho rằng nhà đầu tư nên có chiến lược phù hợp. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn có thể canh mua những nhóm cổ phiếu tốt để đón nhịp sóng ngắn hạn của thị trường trong thời gian tới.  

KHÔNG ĐỂ GIÁ HÀNG HOÁ “CỐ THỦ” CHẬM GIẢM THEO GIÁ XĂNG DẦU 

Theo VOV, có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, song giải pháp căn cơ để điều chỉnh giá cả hàng hóa cho phù hợp vẫn phải tăng cường các biện pháp hành chính, thanh kiểm tra và nêu cao ý thức của doanh nghiệp và người dân. 

Hiện có 3 nhóm mặt hàng khiến cho chỉ số CPI tăng cao, chiếm tới 80% tổng mức tăng. Trong đó, nhóm giao thông vận tải đã chiếm khoảng 55 % cơ bản vẫn là do giá xăng dầu. Nhóm thứ hai là lương thực thực phẩm chiếm khoảng 13% tổng mức tăng và nhóm thứ ba là nhóm vật liệu xây dựng đã chiếm tới 80% tổng biên độ tăng CPI 7 tháng đầu năm vừa qua, do đó cần tập trung kiểm soát giá cả 3 nhóm này là việc làm rất quan trọng. Theo đó, cần tính cả 2 nhóm giải pháp bao gồm trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính bền vững chính sách. Trong đó cần làm rõ nguyên nhân cụ thể của việc tăng cấu phần giá. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát nhưng cũng không thể làm triệt để được nếu ý thức của người dân và DN chưa vào cuộc. Do đó, cần tăng cường thêm ý thức cả DN và người dân, ngoài truyền thông, phải tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.