Điểm báo 8/7: Thu nhập người lao động tăng hơn 1 triệu đồng so với trước dịch

Thêm thị trường, xuất khẩu trái cây sẽ đột phá; Đề xuất giảm nhiều loại phí, lệ phí giao thông; Thị trường chứng khoán “nhiễu động”: Thận trọng khi đầu tư; Thu nhập người lao động tăng hơn 1 triệu đồng so với trước dịch ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo ngày 8/7/2022.

THÊM THỊ TRƯỜNG, XUẤT KHẨU TRÁI CÂY SẼ ĐỘT PHÁ

Nhiều loại trái cây tại các địa phương hiện đang được gấp rút chuẩn bị để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường cao cấp. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, ngay từ bây giờ, các vùng trồng phải khẩn trương tổ chức sản xuất an toàn, có mã vùng trồng để sẵn sàng xuất khẩu.

Theo bài viết trên báo Tiền phong, Trong 6 tháng cuối năm 2022, sản lượng cây ăn quả chính ở phía Nam ước tính 4,1 triệu tấn. Việc trái cây Việt Nam đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các thị trường có giá trị xuất khẩu cao là tín hiệu tích cực. Để trái cây xuất sang các thị trường cao cấp thành công, chúng ta không thể yêu cầu các nước nhập khẩu hạ tiêu chuẩn xuống mà buộc chúng ta phải nâng tiêu chuẩn sản xuất để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Đặc biệt, các thị trường đều yêu cầu vùng trồng phải có biện pháp giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có ghi chép nhật ký đồng ruộng, khuyến khích áp dụng GAP trong quá trình sản xuất và áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, trong khi tăng mạnh ở các thị trường “khó tính” như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản rất rõ nét. Cho nên đây là cơ hội để nông sản Việt bứt phá cải thiện tình hình

ĐỀ XUẤT GIẢM NHIỀU LOẠI PHÍ, LỆ PHÍ GIAO THÔNG

Nhằm tháo gỡ một phần khó khăn trong chi phí vận tải do giá xăng, dầu tăng cao, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong các lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo bài viết được đăng tải trên báo Nông thôn ngày nay số ra sáng nay, Bộ GTVT đề xuất giảm mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành tại Thông tư số 70/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Theo đó, tuỳ vào từng lĩnh vực cụ thể sẽ có mức giảm từ 20 đến 100%.  Cụ thể, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách. Giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Lĩnh vực hàng hải, giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa. Giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa.  Lĩnh vực đường thủy nội địa: Miễn giảm 100% lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa. Giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa.... Bộ GTVT đề nghị thời gian giảm các phí đến hết năm 2022 (từ tháng 8 đến 12/2022).

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN “NHIỄU ĐỘNG”: THẬN TRỌNG KHI ĐẦU TƯ

Nửa đầu năm 2022 đã qua với nhiều sự kiện kinh tế - chính trị làm thị trường chứng khoán "nhiễu động". Những nền kinh tế mới nổi đối diện nhiều tổn thương, minh chứng là những đợt rung lắc trên thị trường tài chính Việt Nam. Cơ hội đầu tư đã không còn dễ dàng như trước. Thông tin bài viết được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay. 

Nửa đầu năm 2022 đã qua với nhiều sự kiện kinh tế - chính trị làm thị trường chứng khoán "nhiễu động". Những nền kinh tế mới nổi đối diện nhiều tổn thương, minh chứng là những đợt rung lắc trên thị trường tài chính Việt Nam. Cơ hội đầu tư đã không còn dễ dàng như trước. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, 6 tháng cuối 2022, thị trường chứng khoán có thể tăng trở lại là rất khó. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm như hiện nay, cố gắng kiếm một nhóm ngành tăng đã là một rủi ro rất lớn. Để có thể đảm bảo đầu tư đúng đắn, buộc phải đi chung với thị trường chứng khoán. Khi thị trường giá xuống, muốn sinh lợi chỉ có thể trên thị trường phái sinh mà thôi. Tuy nhiên, cơ hội vẫn có nếu nhà đầu tư biết tận dụng và đặc biệt là phải kiên nhẫn. Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tuyệt vời đối với nhà đầu tư cá nhân. Sở dĩ nhà đầu tư rất khó để mua bất động sản với giá trị thấp, trong khi chỉ cần bỏ ra vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để sở hữu cổ phiếu của một doanh nghiệp tăng trưởng cao.

THU NHẬP NGƯỜI LAO ĐỘNG TĂNG HƠN 1 TRIỆU ĐỒNG SO VỚI TRƯỚC DỊCH

So với cùng kỳ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng.

Cụ thể, Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm nay là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (tương ứng tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người). Đồng thời, biến động thu nhập của người lao động trong quý II so với quý I năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước. Cụ thể so với cùng kỳ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng. Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ.