Điểm báo: Công nhân không dám "mơ" nhà ở xã hội

Công nhân không dám "mơ" nhà ở xã hội; Gỡ nút thắt gói hỗ trợ lãi suất 2%; Bỏ trần giá vé máy bay, nên hay không?; Mở ngành mới đừng để 'bình mới rượu cũ';... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 3/3.

CÔNG NHÂN KHÔNG DÁM “MƠ” NHÀ Ở XÃ HỘI 

Nội dung đáng chú ý trên báo NTNN sẽ mở đầu cho phần điểm báo. Người dân đang hào hứng với cú chuyển hướng của thị trường bất động sản từ nhà ở thương mại cao cấp sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo Báo Nông thôn ngày nay, hiện việc sở hữu nhà ở xã hội giống như một giấc mơ đối với nhiều công nhân.

Tại nhiều địa phương, hiện nay nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn, dù xây dựng như vậy nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Các mô hình như ký túc xá công nhân, nhà trọ công nhân tập trung vẫn còn thiếu và thiếu rất nhiều. Nhiều tờ báo khác cũng đề cập, muốn chương trình nhà ở xã hội phủ sóng thị trường bất động sản, ngay lúc này các cơ quan chức năng và địa phương phải vào cuộc quyết liệt. "Nền tảng" để phát triển nhà ở xã hội còn quá mỏng, muốn thành công phải có đủ "bộ ba" là vốn, quỹ đất và chính sách.

GỠ NÚT THẮT GÓI HỖ TRỢ LÃI SUẤT 2% 

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 1 vừa qua, hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 mới chỉ đạt hơn 134 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc kết quả thực hiện chính sách này. Bài viết trên Thời báo Ngân hàng.

Theo thời báo Ngân hàng, một số khách hàng có nhu cầu hỗ trợ nhưng không thuộc đối tượng; có khách hàng thuộc diện được hỗ trợ nhưng tâm lý e ngại. Bởi hơn ai hết khách hàng rất hiểu đây là chương trình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và phải tuân theo rất nhiều quy trình thủ tục, từ lúc tiếp cận khoản hỗ trợ đến khâu hậu kiểm. Hiện NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành để đề xuất sửa đổi Nghị định 31, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả Ngân hàng thương mại cũng như khách hàng.

BỎ TRẦN GIÁ VÉ MÁY BAY, NÊN HAY KHÔNG? 

Nhiều ý kiến đề xuất rằng cần bỏ khung giá trần để giá vé máy bay theo cơ chế thị trường, tạo nền tảng phát triển lành mạnh cho hãng bay. Song trong bối cảnh các công cụ kiểm soát giá thiếu chặt chẽ, việc bỏ trần giá vé máy bay có nên hay không? Câu hỏi này cũng là tiêu đề bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Từ năm 2005, câu chuyện nên hay không nên bỏ trần giá vé máy bay đã được đưa ra tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thị trường hàng không vẫn có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, thì việc bỏ giá trần vé máy bay dễ dẫn đến việc doanh nghiệp tự định giá, tự tăng giá, các doanh nghiệp khác cũng sẽ tăng theo. Phần lớn khách hàng không chú ý đến giá trần hay giá sàn, mà chủ yếu mong chi phí đi lại bằng máy bay hạ nhiệt, để việc vận chuyển bằng đường hàng không thuận lợi hơn. Một số chuyên gia cho rằng, đã hội nhập, không thể một mình một quy định. Việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành hàng không.


MỞ NGÀNH MỚI ĐỪNG ĐỂ 'BÌNH MỚI RƯỢU CŨ 

Bước vào mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học dự kiến mở các ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu của người học và xu hướng thị trường lao động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mở ngành đào tạo mới cần được nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, tránh tình trạng “ăn xổi”. Bài viết trên báo Giáo dục và thời đại.

Theo Luật, các trường đại học được tự chủ mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Do đó, mở ngành mới trong mùa tuyển sinh năm 2023 là điều không nằm ngoài dự đoán. Báo Giáo dục và thời đại trích dẫn ý kiến của GS.TS Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đây là xu hướng tất yếu, nhất là khi các trường được tự chủ. Qua đó cho thấy, đơn vị đã và đang chủ động bắt nhịp với xu thế phát triển của của đất nước cũng như hội nhập thế giới. Tuy nhiên cũng có quan ngại, một số cơ sở giáo dục đại học lạm dụng quyền tự chủ để mở ngành mới, với nhiều tên gọi thời thượng nhằm thu hút thí sinh và phụ huynh.