Điểm báo: Lập kho dự trữ thuốc hiếm, tại sao không?

Lập kho dự trữ thuốc hiếm, tại sao không?; Giáo sư đầu ngành nói gì về việc đưa môn văn vào xét tuyển đầu vào trường y?; Đếm ngược kỳ thi lớp 10: Thí sinh nên chơi hay vùi đầu sách vở?; Chất lượng các khoá học hè: Thượng vàng hạ cám ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 30/5/2023.

LẬP KHO DỰ TRỮ THUỐC HIẾM, TẠI SAO KHÔNG?

Trong kỳ họp thứ 5 đang diễn ra, câu chuyện thiếu dự trữ thuốc hiếm lại “lộ sáng”, như một lỗ hổng của ngành Y tế. Và thật đáng lo ngại là không chỉ thuốc giải độc, mà nhiều loại thuốc hiếm khác cũng thiếu. Bài viết trên báo Đại đoàn kết. Đứng về góc độ kinh tế, trong khoảng từ 3 đến 6 tháng chăm sóc một người liệt nằm thở máy thì chi phí còn nặng hơn so với một liều thuốc giải độc khoảng 8.000 USD. Báo đại đoàn kết đề cập, Cứu người thì không thể đợi khi người bệnh rơi vào tình thế thập tử nhất sinh mới tìm thuốc. Đành rằng thuốc hiếm không sẵn nguồn, giá đắt, nhưng chúng ta vẫn có thể có được khi liên hệ với các hãng dược lớn trên thế giới, kể cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bài học phòng chống Covid-19 vẫn còn đó, Việt Nam không tự điều chế được vaccine, nhưng với rất nhiều nỗ lực, nhiều nguồn chúng ta đã có được lượng vaccine dồi dào. 

GIÁO SƯ ĐẦU NGÀNH NÓI GÌ VỀ VIỆC ĐƯA MÔN VĂN VÀO XÉT TUYỂN ĐẦU VÀO TRƯỜNG Y?

Trong kỳ tuyển sinh năm nay, có bốn trường có đào tạo bậc đại học ngành y đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển. Báo Tuổi trẻ có bài viết về nhiều ý kiến xung quanh việc vấn đề này. Báo Tuổi trẻ trích dẫn ý kiến GS Nguyễn Thanh Liêm - nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, chuyên gia đầu ngành ngoại nhi cho rằng, Bác sĩ chữa bệnh không chỉ bằng việc thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, kê đơn mà còn bằng cả cái tâm và nhân cách của người thầy thuốc. "Văn là người", vì vậy văn học là một yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách, nên cái tâm của người thầy thuốc. Nhiều người phản đối cho rằng để học ngành y, các môn hóa và sinh quan trọng hơn môn văn. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, học văn giỏi giúp bác sĩ có kỹ năng giao tiếp tốt với người bệnh để hiểu rõ hơn về bệnh tật, để tránh được các xung đột đáng tiếc.

ĐẾM NGƯỢC KỲ THI LỚP 10: THÍ SINH NÊN CHƠI HAY VÙI ĐẦU SÁCH VỞ?

Hơn 10 ngày nữa, Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Thời điểm hiện tại, mọi khâu liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi đã và đang được chuẩn bị theo kế hoạch; trong đó việc ổn định tâm lý thí sinh là yếu tố rất quan trọng. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị. 10 ngày trước kì thi luôn được cho là thời gian bản lề rất quan trọng để học sinh mạnh mẽ, quyết tâm, bứt phá và về đích. Tuy vậy, nhiều phụ huynh cho hay, khoảng 1- 2 tuần trở lại đây, tâm lý của con họ có phần bị ảnh hưởng và xao nhãng với việc học. Nhiều phụ huynh khác nhận thấy, việc chểnh mảng chuyện học của các sỹ tử mấy ngày gần đây là do các con đã học quá nhiều trong suốt cả năm học. Báo kinh tế và đô thị trích dẫn ý kiến Các chuyên gia giáo dục cho biết, đây là lúc cần tâm lý thoải mái, không áp lực nhưng lại phải tập trung cao độ. Phụ huynh cần nhẹ nhàng động viên tinh thần con, tránh việc đặt kỳ vọng quá cao hoặc đăng ký dày đặc các buổi học thêm để nhồi nhét kiến thức, những mong con giỏi hơn, thi đạt điểm cao hơn.

CHẤT LƯỢNG CÁC KHOÁ HỌC HÈ: THƯỢNG VÀNG HẠ CÁM

Khi tiếng trống trường cất lên lễ bế giảng kết thúc thì nhiều phụ huynh đã kịp xếp lịch để “nhét” con vào các khóa học hè. Tuy nhiên, không ít người đã phải giật mình về giá cả và chất lượng của các khóa học này. Học bơi, học đàn, học năng khiếu….Rất nhiều các khoá học hè với giá cả khác nhau, có nơi lên đến 5 – 6 triệu cho 10 buổi học. Sân chơi dịp hè hiện nay rất đa dạng và nhiều hình thức, là việc cần thiết và hữu ích cho trẻ. Tuy nhiên, có những hình thức cần lưu ý. Thứ nhất là khóa học kỳ trong quân đội. Năm nào cũng tổ chức ở các trung tâm, các trường nhưng đây chỉ là hoạt động vui chơi, “cưỡi ngựa xem hoa” nên phụ huynh đừng quá kỳ vọng con tự tin, kỷ luật, tháo vát hơn. Thứ hai, thời gian gần đây phụ huynh cũng đổ xô cho con đi học công nghệ, học lập trình. Đây không phải là hoạt động hè mà phải học thường xuyên trong năm. Không thể học vài buổi trong hè mà khiến con thành công, giỏi về vi tính.