Điểm báo ngày 5/4: Bịt "lỗ hổng" đấu giá đất: Tăng tiền cọc và mức phạt, thêm điều kiện tham gia

Bịt "lỗ hổng" đấu giá đất: Tăng tiền cọc và mức phạt, thêm điều kiện tham gia; Ngân hàng siết cho vay bất động sản: Nhà đầu tư lo mất “đòn bẩy” tài chính; Hủy 9 đợt phát hành trái phiếu hơn 10.000 tỷ của Tân Hoàng Minh; Kiểm soát lạm phát, ngăn bão giá: Khó nhưng có thể đạt được ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 5/4/2022.

Bịt "lỗ hổng" đấu giá đất: Tăng tiền cọc và mức phạt, thêm điều kiện tham gia

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang sửa đổi Nghị định 43 quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, trong đó đề xuất nếu tự ý hủy kết quả trúng đấu giá, ngoài tiền đặt trước, người tham gia phải nộp 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá nhằm bịt những “lỗ hổng” trong quy trình hiện nay. Bài viết trên báo Đại biểu nhân dân

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 43 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lấy ý kiến, trong đó bổ sung nhiều nội dung về đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Theo quy định hiện hành, mức cọc tối thiểu là 5%, tối đa là 20%. Để bảo đảm năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá, tổ chức tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm. Giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Đáng chú ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, sẽ phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá; đồng thời, không được tham gia đấu giá trong 5 năm.

Ngân hàng siết cho vay bất động sản: Nhà đầu tư lo mất “đòn bẩy” tài chính

Còn trên báo Nông thôn ngày nay có bài viết: Ngân hàng siết cho vay bất động sản: nhà đầu tư lo mất “đòn bẩy” tài chính, trước việc một số ngân hàng thương mại tạm dừng giải ngân với các khoản vay bất động sản, tập trung hướng tín dụng vào các lĩnh vực khác.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trước vấn đề trên, nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái “siết” cho vay, tạm dừng cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án. Theo một số chuyên gia kinh tế, Tín hiệu hạn chế cho vay bất động sản cảnh báo nguy cơ nguội dần của thị trường địa ốc. Ở góc độ đầu tư, nhóm sử dụng đòn bẩy sẽ không thể tiếp tục xuống tiền, lực cầu sẽ suy giảm. Ngay cả nhóm người mua nhà ở thực cũng gặp khó vì không thể tiếp cận vốn để mua nhà. Mặt khác, việc siết tín dụng vào bất động sản cũng cảnh báo nguy cơ lãi suất cho vay tăng. Hệ lụy của việc tăng lãi suất là nhiều nhà đầu tư không thể chịu được áp lực lãi vay, sẽ có thể bán cắt lỗ

Hủy 9 đợt phát hành trái phiếu hơn 10.000 tỷ của Tân Hoàng Minh

Ủy ban chứng khoán quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Tân Hoàng Minh do "che giấu, công bố thông tin sai sự thật". 

Theo báo điện tử Vnxpress, Ba công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông và Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022. Các doanh nghiệp này đều là các công ty chưa đại chúng.

Theo quyết định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ. Quyết định huỷ này là chưa từng có tiền lệ, sau khi Tân Hoàng Minh đã huy động thành công, nhận tiền từ các trái chủ.

Kiểm soát lạm phát, ngăn bão giá: Khó nhưng có thể đạt được

3 tháng qua, giá dầu thô tăng 55 - 58%, giá lương thực thực phẩm toàn cầu bị đẩy lên cao 24%, các loại hàng hóa khác tăng 17 - 35%. Giá nhiên liệu, mặt hàng đầu vào của các ngành, lĩnh vực tăng cao gây áp lực lạm phát chi phí đẩy cho nền kinh tế.  Bài viết phân tích trên báo Kinh tế và đô thị

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến, chỉ riêng giá xăng dầu trong nước chiếm 2 - 3,5% tổng chi phí sản xuất, nên khi xăng dầu tăng giá thì tất cả ngành sản xuất đều bị ảnh hưởng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu giá xăng dầu tăng 10% lạm phát tăng 0,48%, nếu tăng 30% thì lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 1%. Với tình hình tăng giá xăng dầu tại Việt Nam thời gian qua, có thể làm tăng lạm phát thêm 1%. Ngoài ra còn giá một số vật liệu cơ bản tác động đến giá hàng hóa, chỉ số CPI. Để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt.