Điểm báo ngày 09/02: VPBank, VietinBank và BIDV nợ xấu cao hàng đầu

Những nội dung đáng chú ý trên các mặt báo ra ngày 09/02: Báo chí cần thích ứng tình hình mới, cùng hợp sức thực hiện tốt nhiệm vụ; Top 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất 2021; Vì sao cây xăng ở nhiều tỉnh thành treo biển hết xăng, ngừng bán?; Kiến nghị cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời; Chuyên gia y tế: Trẻ đi học là cần thiết vì lợi ích phát triển thể chất, tâm lý, trí tuệ.

Nhân Dân: Báo chí cần thích ứng tình hình mới

Trên báo Nhân dân số ra sáng nay có bài viết Báo chí cần thích ứng tình hình mới, cùng hợp sức thực hiện tốt nhiệm vụ. Bài viết trích dẫn ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại giao ban báo chí đầu xuân Nhâm Dần 2022, cho rằng Các cơ quan Nhà nước cần phải có trách nhiệm, chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn kết nối các cơ quan báo chí. Vì báo chí không nói theo cảm tính mà phải nói có dữ liệu, có phân tích. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng cần có chính sách hỗ trợ giúp các cơ quan báo chí có hệ thống phân tích dữ liệu, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian tới.

Tuổi Trẻ: VPBank, VietinBank và BIDV  nợ xấu cao hàng đầu

Bảng xếp hạng top 10 ngân hàng đang gánh khoản nợ xấu lớn nhất năm 2021 vừa được lộ diện, với nhiều sự thay đổi. VPBank, VietinBank và BIDV là ba gương mặt có khoản nợ xấu cao hàng đầu. Bài viết phân tích trên báo Tuổi trẻ. + Theo bài viết,  VPBank dẫn đầu trong top 10 ngân hàng ôm nợ xấu nhiều với hơn 15.800 tỉ đồng, tăng 60% so với năm trước. VietinBank xếp hạng 2/10 khi gánh khoản nợ xấu gần 14.300 tỉ đồng, tăng gần 49% so với năm trước. BIDV lùi xuống vị trí thứ ba về nợ xấu trong năm 2021 sau khi dẫn đầu ở năm trước đó. Cụ thể, năm qua khoản nợ xấu của nhà băng này đã giảm gần 38% xuống còn hơn 13.200 tỉ đồng. Trong đó nhóm nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh tới 58%, kéo tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm xuống. Cũng theo bài viết trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ thắt chặt hơn việc quản lý chất lượng tài sản ngân hàng, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2022.

Dân Trí: Nguồn cung không đảm bảo nên nhiều cây xăng hết xăng

Phản ánh tình trạng nhiều cây xăng tại một số tỉnh thành có hiện tượng đóng cửa, treo biển hết hàng, trên báo điện tử Dân trí có bài viết phân tích về nội dung này.Theo tác giả bài viết, vừa qua tình trạng cây xăng đóng cửa, treo biển hết hàng xảy ra tại một số địa phương như Cần Thơ, An Giang, Đắk Nông… Theo bài viết, nguyên nhân các cây xăng tạm ngưng hoạt động là nhu cầu tăng cao trong dịp Tết. Nguồn cung không đảm bảo nên nhiều cây xăng hết xăng. Một số cây xăng nghỉ bán do không có nhân viên phục vụ hoặc đang sang nhượng… Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Thương mại (Sở Công Thương TP Cần Thơ), các đầu mối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cho biết hiện nguồn cung trong nước khan hiểm, giá xăng dầu quốc tế cao hơn giá bán lẻ trong nước nên các doanh nghiệp cũng không lựa chọn giải pháp nhập khẩu hàng về bán.

Thông tin trên báo Sài Gòn Giải phóng cũng cho biết thêm, mới đây đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị về công tác đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Trước dự báo về tình hình biến động nguồn cung ứng xăng dầu trong thời gian tới, UBND TPHCM sẽ kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ trong các trường hợp đặc biệt cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời để các doanh nghiệp đầu mối chủ động, điều phối nguồn cung phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên trong việc kinh doanh xăng dầu.   

Chuyển sang một số thông tin liên quan đến ngành giáo dục, hiện nay hầu hết các địa phương đã có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường học, để đảm bảo an toàn cho học sinh theo chuyên gia y tế cần tập trung giải quyết hiện tượng lo lắng không cho trẻ em đến trường; Hệ thống y tế chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản số bệnh nhân tăng...Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại. Bài viết trích dẫn ý kiến PGS, TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, Việc đầu tiên cần đảm bảo trước khi cho trẻ trở lại trường là tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng Covid-19. Từ tiêm vaccine cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ. Đối với những trẻ chưa tiêm vaccine và không tiêm vắc xin... nhiều quốc gia cũng hối thúc đi học. Khi cho đối tượng này đi học, các quốc gia đã kiểm soát bằng nhiều biện pháp, trong đó tăng cường kiểm tra triệu chứng; yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm....Ông Trần Đắc Phu nhận định, việc cho trẻ đi học lại là vô cùng cần thiết. Đối với cả trẻ đã được tiêm vắc xin lẫn chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng là cần thiết. Bởi hậu quả và hệ lụy của việc trẻ em không được đến trường, không được tương tác giữa trẻ với trẻ, tương tác giữa trẻ với thầy cô gây ra các khiếm khuyết về tinh thần và thể chất.