Điểm báo ngày 11/03: Phục hồi du lịch khó càng thêm khó

Gian nan đường đến ngày bình thường; Phục hồi du lịch khó càng thêm khó; Muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải tổ chức lại sản xuất; Tổ chức kỳ thi riêng: Thêm cơ hội cho thí sinh... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ra sáng ngày 11/03/2022.

Gian nan đường đến ngày bình thường

Trên Thời báo Tài Chính Việt Nam số ra ngày hôm nay có bài viết đáng chú ý với tiêu đề “Gian nan đường đến ngày bình thường”.

Theo bài viết, vào tháng 7 năm ngoái, Chính phủ dành những nỗ lực cao nhất trang bị “vũ khí” vắc-xin cho người dân. Cũng vào cuối năm 2021, Chính phủ trình Quốc hội quyết nghị về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cao nhất trong lịch sử hỗ trợ: 350 nghìn tỷ đồng. Có vũ khí, có nguồn lực, cả nước hừng hực khí thế đón chào bình minh. Nhưng, Ngay cả khi đường phố đã trở lại đông đúc, các bệnh viện dã chiến giải thể vì đã hoàn thành sứ mệnh, các trường học đã không còn là các điểm cách ly… thì bình minh ngày mới vẫn là khá xa xôi. Một bầu không khí bất thường vẫn bao trùm lên đời sống kinh tế - xã hội khi các nơi làm việc sản xuất, kinh doanh thì vắng người; còn hiệu thuốc, hàng vàng, cây xăng… thì tấp nập người chen chúc người trong những làn sóng sôi sục của giá.

Phục hồi du lịch khó càng thêm khó

Trên báo Kinh tế và Đô thị mới đây có bài viết “Phục hồi du lịch khó càng thêm khó” Bài viết phân tích tình hình giá xăng dầu liên tục tăng trong khi xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt... là những yếu tố khiến các doanh nghiệp lữ hành ''đứng ngồi không yên''. 

Theo bài viết, cơ cấu giá thành của một chương trình du lịch, phần chi phí vận chuyển chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại, nhưng ảnh hưởng của giá xăng dầu khiến giá tour tăng. Điều này sẽ giảm sức cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore. Ngoài ra,  theo các chuyên gia du lịch, du khách Nga là những người có thời gian lưu trú lên đến 15 ngày, có mức chi tiêu tới 1.830 USD, cao hơn du khách Anh, Mỹ, Úc và Pháp…. nhưng xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến doanh nghiệp lữ hành mất thị trường “béo bở” này.

Muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải tổ chức lại sản xuất

Muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải tổ chức lại sản xuất” đây là bài viết đáng chú ý trên báo Nông nghiệp Việt Nam

Theo bài viết, hiện nay, khó khăn trong quản lý sản xuất và kiểm soát chất lượng đang tồn tại ở nhiều nơi, nhiều địa phương đã muốn chuẩn hóa vùng nguyên liệu từ năm 2015 nhưng khó thực hiện được do hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân không thành công. Ví dụ, ở Bình Thuận, với mặt hàng thanh long các doanh nghiệp không thể hợp tác với nông dân, HTX do biên độ giá lớn nên không kiểm soát được nguồn hàng, hợp đồng không có tác dụng. Vấn đề mấu chốt để chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch là phải đảm bảo được quy trình sản xuất và tiêu chuẩn của sản phẩm. Cần có những phương án để định vị lại thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường này.

Tổ chức kỳ thi riêng: thêm cơ hội cho thí sinh

Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực hoặc tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. Đây là một trong những phương thức tuyển sinh, giúp thí sinh có thêm cơ hội để vào đại học. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại.

Các cơ sở giáo dục đại học ghi nhận và đánh giá cao kỳ thi đánh giá năng lực. Đây là kỳ thi có độ phân hoá tốt, bảo đảm độ tin cậy để các trường đại học xét tuyển. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – khẳng định. Việc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực thuận lợi cho thí sinh vì bên cạnh các phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ THPT, thí sinh có thêm một phương thức khác để tham gia xét tuyển vào đại học. Hơn nữa, đây là một trong những phương án tuyển sinh không lệ thuộc vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên được khuyến khích.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam