Điểm báo ngày 11/6: Thiếu thuốc, thiết bị y tế, nhiều gói thầu mua sắm "đóng băng" ở Bộ Y tế?

Xử lý nợ xấu đi kèm nâng cao chất lượng tín dụng; "Kìm bão giá" để đảm bảo an sinh xã hội; "Sốt đất" hạ nhiệt, nhà đầu tư bỏ cọc tiền tỷ "tháo chạy"; Thiếu dự án nhà ở xã hội, nguy cơ"'ế" 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi; Thiếu thuốc, thiết bị y tế, nhiều gói thầu mua sắm "đóng băng" ở Bộ Y tế?

XỬ LÝ NỢ XẤU ĐI KÈM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa qua cũng như thảo luận kinh tế - xã hội trước đó, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Bài viết phân tích trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng ngày hôm nay. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Nghị quyết 42 cho phép người cho vay thu giữ tài sản bảo đảm, bán nợ xấu hoặc tài sản đảm bảo có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị. Đây là điểm quan trọng giúp cho xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong thực tế, có những khoản vay sau đó phát sinh nợ xấu, nhất là khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều khoản vay được cơ cấu thì có thể dẫn tới nợ xấu gia tăng. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tạo cơ sở để đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu hiệu quả. 

"KÌM BÃO GIÁ" ĐỂ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, tác động đẩy giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá mạnh trong tuần qua đã ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Các chuyên gia kinh tế cũng đề xuất một số giải pháp để "kìm bão giá"...

Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam trích dẫn ý kiến TS Võ Trí Thành cho rằng, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã thực hiện có hiệu quả công tác điều hành giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung, hạn chế hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận. Để hạn chế được tác động tiêu cực của việc giá cả leo thang cũng như giá xăng dầu, thì phải có những can thiệp điều chỉnh dưới góc độ chính sách để kiềm chế giá xăng dầu cũng như lạm phát. Đồng thời, các bộ, ngành cần có những giải pháp hỗ trợ xã hội như trợ cấp đối tượng khó khăn, dễ bị tổn thương.

"SỐT ĐẤT" HẠ NHIỆT, NHÀ ĐẦU TƯ BỎ CỌC TIỀN TỶ "THÁO CHẠY"

Khi thị trường có dấu hiệu trầm lắng sau thời gian "sốt nóng", nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận bỏ cọc sau khi trả đấu giá cao. Bài viết trên báo điện tử Dân trí. 

Thời điểm thị trường "sốt nóng", hoạt động đấu giá đất ở nhiều địa phương có người tham gia đông khiến việc trúng giá cao. Tuy nhiên, có nhiều cá nhân được công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất đã không nộp tiền, hoặc nộp không đủ tiền theo thời gian quy định. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện "bong bóng cục bộ". Đáng chú ý, giá nhà cũng leo thang theo giá đất và lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp. 

THIẾU DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI, NGUY CƠ 'Ế' 15.000 TỶ ĐỒNG CHO VAY ƯU ĐÃI

Nguồn cung nhà ở xã hội ít khiến gói vay ưu đãi cho người mua nhà 15.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm (2022- 2023) có nguy cơ bị “ế”. Thông tin mới đây được đăng tải trên báo Tiền phong. 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo kế hoạch. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 tương đương 54 ngàn căn hộ. Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ. Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội, nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân là 7,6 triệu m2 với hơn 152 nghìn căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 10,96 triệu m2 với 219 nghìn căn hộ. Các dự án này đang triển khai rất chậm và mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây sau gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố.

THIẾU THUỐC, THIẾT BỊ Y TẾ: NHIỀU GÓI THẦU MUA SẮM "ĐÓNG BĂNG" Ở BỘ Y TẾ?

Trên báo lao động mới đây có bài viết: Thiếu thuốc, thiết bị y tế: Nhiều gói thầu mua sắm "đóng băng" ở Bộ Y tế?

Trước phản ánh hàng loạt những bất cập, hệ lụy xấu từ việc chậm đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế mà bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như đội ngũ y bác sỹ tại một số bệnh viện tuyến tỉnh ở Thái Bình đã, đang phải gánh chịu trong suốt thời gian qua, bài viết trích ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, nguyên nhân bởi các giám đốc không "mặn mà", thậm chí ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế. Bên cạnh đó, Khi hoàn thành việc đấu thầu mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế, còn có một quy trình nữa là thẩm định. Việc thẩm định trong thời gian vừa qua còn nhiều bất cập, nhiều cán bộ thẩm định đã vướng vào vòng lao lý. Cho nên hiện nay, có tình trạng cán bộ thẩm định không dám làm. Trường hợp thẩm định xong, gửi lên Bộ Y tế để phê duyệt lần cuối cũng bị "đóng băng" ở đó, gần như không ai dám xét duyệt.