Giải "nỗi oan" quỹ bình ổn giá xăng dầu; Nhiều băn khoăn trước đề xuất tách Tổng cục đường bộ thành hai Cục; Quản lý chặt giá cước vận tải trước biến động của giá xăng dầu; Không tăng học phí - Khó khăn được chia sẻ... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ra sáng ngày 19/6/2022.
Không tăng học phí: Khó khăn được chia sẻ (Giáo dục thời đại)
Tâm tư, trăn trở của nhiều phụ huynh, học sinh đã được giải tỏa sau thông tin Bộ GD&ĐT nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022 – 2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá. Bài viết trên báo Giáo dục và thời đại + Không tăng học phí: Khó khăn được chia sẻ, bài viết trên báo Giáo dục và thời đại đề cập, Sau quy định về bình ổn giá sách giáo khoa, tăng giá trị của sách cũ, xây dựng tủ sách dùng chung, nhiều người nhận định, việc giữ nguyên giá dịch vụ giáo dục năm học 2022 -2023 là việc làm nhân văn, ý nghĩa, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay của các hộ gia đình. Còn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, người dân đang mong chờ thông báo chính thức từ chính quyền về mức học phí trong năm học tới sau khi Bộ GD&ĐT nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022 – 2023.
Giải 'nỗi oan' quỹ bình ổn giá xăng dầu (Tuổi trẻ)
Dự thảo sửa đổi Luật giá đã đề xuất xóa quỹ bình ổn xăng dầu, để giá lên xuống theo thị trường. Báo Tuổi trẻ đã có bài viết “Giải nỗi oan quỹ bình ổn giá xăng dầu” về vấn đề này. + Theo Báo tuổi trẻ, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động theo nguyên tắc "lấy nó nuôi nó". Khi giá xăng dầu ở mức thấp, người mua trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá tăng cao. Thế nhưng, dù hoạt động theo nguyên tắc "lấy nó nuôi nó", nhưng cơ chế lại không rõ ràng khiến cho nguyên tắc này bị méo mó. Số là khi trích quỹ, người mua xăng, dầu diesel, dầu hỏa hay dầu mazut đều rót tiền gộp vào chung "chiếc bình" bình ổn giá. Vì thế, khi có ý định "khai tử" Quỹ này, cũng cần có tổng kết, đánh giá để nếu có oan cho quỹ này thì cần phải "giải oan". Bởi việc "giải oan" cho quỹ sẽ rút ra được nhiều bài học để sau này "xây dựng cơ chế vận hành thị trường xăng dầu sẽ nhịp nhàng, thuận lợi hơn.
Nhiều băn khoăn trước đề xuất tách Tổng cục đường bộ thành hai Cục (Lao động)
Chuyển sang một bài viết đáng chú ý khác. Liên quan đến đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành 2 cục, một số ý kiến cho rằng việc sắp xếp này sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo. Bài viết trên báo Lao động. + Theo Báo Lao động, Việc sắp xếp lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo hướng chia tách riêng quản lý đường bộ thành quản lý quốc lộ và quản lý đường bộ cao tốc sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo. Ý kiến khác cho biết sẽ làm tăng tính hiệu quả của việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường bộ cao tốc. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể tách thành 2 cục đường bộ như dự thảo nghị định đã trình. Các tuyến cao tốc hiện nay ngày một nhiều, được xem như xương sống của ngành giao thông, có tầm quốc gia. Tuy nhiên, nhân lực quản lý của cục sẽ phải tương ứng với đối tượng được quản lý, không thể trùng lặp.
Quản lý chặt giá cước vận tải trước biến động của giá xăng dầu (Thời báo Tài chính VN)
Nhiên liệu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí của hoạt động vận tải. Với biến động tăng của giá xăng dầu đã tác động làm tăng giá cước vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy. Do đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái- Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ có liên quan phải quản lý chặt giá cước vận tải. Bài viết trên Thời báo tài chính Việt Nam. + Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, đối với đường bộ, hiện khoảng 80%-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đều đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10% - 15% giá cước vận tải đề bù đắp chi phí nhiên liệu. Thời báo Tài chính Việt Nam đề cập, Riêng đối với giá cước vận tải, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành quản lý chặt giá cước vận tải, đảm bảo mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gãy, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm, "công bố hàng tháng" để hỗ trợ doanh nghiệp.