Giám đốc CDC Nam Định nhận "hoa hồng' 1,25 tỉ sau khi mua kit giá cao từ Việt Á; Nỗi lo nhà ở cho công nhân; Đấu giá biển số ôtô: Mấu chốt là có được trao quyền sở hữu tài sản; Kết nối phổ thông - đại học: Lợi ích cho cả hai phía... là những tin tức đáng chú ý trên báo ra sáng ngày 26/4/2022.
Giám đốc CDC Nam Định nhận “hoa hồng” 1,25 tỉ sau khi mua kit giá cao từ Việt Á
Tối qua và sáng nay 26/4 nhiều tờ báo lớn đều đăng tải thông tin, Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu cùng 4 cán bộ dưới quyền bị khởi tố, tạm giam do liên quan vụ án Việt Á.
Theo Báo Tuổi trẻ, cơ quan điều tra xác định, các bị can là lãnh đạo, cán bộ CDC tỉnh Nam Định đã nhận hoa hồng 1,25 tỉ đồng từ Công ty Việt Á sau khi ký một số hợp đồng mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 với giá cao. Cơ quan điều tra xác định, các bị can này đã thực hiện các hành vi bị cấm trong đấu thầu được quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu, đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Riêng bị can Vũ Thị Ngọc Thanh - Phó trưởng Khoa xét nghiệm của CDC Nam Định có hành vi bớt xén, bán lại kit xét nghiệm cho Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, nên cơ quan điều tra khởi tố tội "Tham ô tài sản".
Nỗi lo nhà ở cho công nhân
Hiện trên địa bàn TP. HCM có khoảng 280.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động với hơn 4,7 triệu lao động. Lương thấp, vật giá leo thang, nhà ở giá cao… là những nguyên nhân khiến giấc mơ nhà ở của công nhân và người lao động tại TP. HCM ngày càng xa vời hơn.
Theo Báo Đại đoàn kết, đại diện Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, giá nhà ở tại thành phố tăng rất cao, công nhân rất khó mua được nhà. Cụ thể, hiện giá căn hộ đang ở mức từ 20 – 25 triệu đồng/m2, trong khi trước năm 2019, giá căn hộ không quá 16 triệu đồng/m2. Đang tồn tại nghịch lý xây dựng nhà ở xã hội nhưng pháp lý thực hiện tương tự nhà ở thương mại. Các dự án nhà ở xã hội kéo dài hơn 1 năm nên khó thu hút nhà đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp sử dụng lao động cũng có thể trở thành chủ đầu tư xây dựng nhà cho người lao động thuê. Có như vậy, bài toán nhà ở cho công nhân sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.
Đấu giá biển số ôtô: Mấu chốt là có được trao quyền sở hữu tài sản
Đề xuất đấu giá biển số xe ôtô của Bộ Công an đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận và giới chuyên gia. Vấn đề lựa chọn biển số thông qua đấu giá sau gần 30 năm chưa thực hiện tiếp tục được đề cập. Bài viết trên Báo Lao Động.
Nếu thực hiện được việc này, người dân có thể mua biển số đẹp cho xe của mình qua việc đấu giá. Báo Lao Động trích dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng, việc này vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, vừa tăng được nguồn thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, chẳng có lý do gì mà không sớm triển khai. Biển số xe ôtô trúng đấu giá cần được coi là tài sản cá nhân để người sở hữu có thể bán, cho, tặng, thừa kế. Một người đã bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng để mua biển số đẹp lẽ dĩ nhiên họ phải có quyền sở hữu và được định đoạt tài sản của họ. Và việc này cần được quy định cụ thể trong dự thảo về việc thí điểm đấu giá biển số xe ôtô.
Kết nối phổ thông - đại học: Lợi ích cho cả hai phía
Trên Báo Giáo dục và Thời đại, kết nối, hợp tác giữa trường phổ thông và đại học có ý nghĩa quan trọng trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp việc học tập chuyển tiếp thuận lợi hơn. Nếu quan tâm chưa đúng mức tới hoạt động này thì chính là một thiệt thòi đối với học sinh hiện nay.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại, đối với trường phổ thông, sự hợp tác này hỗ trợ định hướng sớm cho học sinh với các ngành nghề đào tạo ở trường đại học; chuẩn bị sớm cho các em tâm lý, kỹ năng cho việc học tập ở đại học. Còn đối với trường đại học, kết nối với trường phổ thông giúp nhà trường có thể tiếp xúc sớm với những ứng viên tiềm năng cho công tác tuyển sinh. Hiện nay, mối liên kết này chưa thật sự được thiết lập, chưa phát huy hiệu quả. Để thay đổi, trước hết cần thay đổi nhận thức của lãnh đạo các trường đại học, đó là xác định liên kết với trường phổ thông không chỉ vì lợi ích mà còn là sự hỗ trợ, phát triển giáo dục; phải thật sự coi trọng mối quan hệ với trường phổ thông./.