Điểm báo ngày 2/7: Tiêm vaccine mũi nhắc lại là cách phòng bệnh tốt nhất khi Sars-Cov-2 vẫn khó lường

Thu phí đỗ xe: TPHCM phải bù lỗ, Hà Nội thu ngân sách trên 46 tỉ đồng; Xét GS, PGS: Chú ý xem xét về chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học; Người bệnh không thể chờ; Tiêm vaccine mũi nhắc lại là cách phòng bệnh tốt nhất khi Sars-cov-2 vẫn khó lường ... là những tin tức đáng chú ý ngày 2/7/2022.

THU PHÍ ĐỖ XE: TPHCM PHẢI BÙ LỖ LỖ, HÀ NỘI THU NGÂN SÁCH TRÊN 46 TỈ ĐỒNG

Việc thu phí đỗ xe lòng đường ở TPHCM phải bù lỗ gần 8 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các địa phương đã thu phí, nộp ngân sách trên 46 tỉ đồng trong năm 2021. Thông tin mới đây được đăng tải trên báo Lao Động. 

Bài viết trích dẫn ý kiến Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, đơn vị tổ chức cấp phép (Sở GTVT, UBND quận, huyện, thị xã) sẽ thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông, giữ xe đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép; mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo theo quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7.7.2020 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội và nộp 100% số phí thu được vào Ngân sách nhà nước.

Theo các quy định trên, thành phố Hà Nội không phải bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố để tổ chức công tác trông, giữ xe và thu phí. Ngược lại, ngân sách thành phố còn thu được một khoản phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông, giữ xe hàng năm.

XÉT GS, PGS: CHÚ Ý XEM XÉT VỀ CHUYÊN MÔN, HỌC THUẬT, TÍNH LIÊM CHÍNH KHOA HỌC

Chú ý xem xét về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của ứng viên là một trong những lưu ý trong xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022. Thông tin mới đây được đăng tải trên báo Giáo dục và Thời đại. 

Theo bài viết, hoạt động của Hội đồng Giáo sư các cấp là hoạt động giáo dục, đào tạo đặc thù, cần gắn với kế hoạch công tác của cơ sở giáo dục. Các đơn vị, cá nhân liên quan cần đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, tạo điều kiện để Hội đồng Giáo sư các cấp hoạt động có hiệu quả. 

Cũng theo bài viết, để triển khai tổ chức xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022, Hội đồng Giáo sư nhà nước gửi văn bản đề nghị đến các Hội đồng Giáo sư cơ sở, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2022; các đại học, trường đại học, học viện; các viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ quán triệt thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định; bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch và đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên.

NGƯỜI BỆNH KHÔNG THỂ CHỜ

Chưa bao giờ hệ thống y tế của Việt Nam lại rơi vào cảnh "thiếu trước hụt sau" cả thuốc lẫn trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc, điều trị người bệnh như hiện nay. Trên báo Tuổi trẻ có bài viết: Người bệnh không thể chờ.

"Có tiền cũng không mua được thuốc", câu nói cám cảnh nhưng gần như phản ánh đầy đủ thực trạng thiếu thuốc điều trị hiện nay. Không chỉ thuốc, tình trạng thiếu vật tư y tế cũng đang "bó tay, bó gối" nhân viên y tế khi điều trị bệnh. Đã có nhiều cuộc họp khẩn với sự "nóng ruột" của người đứng đầu Chính phủ; có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan được Bộ Y tế đưa ra, kèm theo đó là nhiều giải pháp được quán triệt. Nhưng trước khi chờ có sự thay đổi căn bản của hệ thống y tế trong việc giúp người bệnh tiếp cận các dịch vụ điều trị từ sớm, từ xa; các bộ ngành liên quan cần xắn tay cùng ngành y tế giải quyết ngay những điều vốn dĩ bình thường nhất như người bệnh có viên thuốc để uống, bác sĩ có đôi găng tay để phẫu thuật.

TIÊM VACCINE MŨI NHẮC LẠI LÀ CÁCH PHÒNG BỆNH TỐT NHẤT KHI SARS-COV-2 VẪN KHÓ LƯỜNG

Còn trên báo Kinh tế Đô thị có bài viết: Tiêm vaccine mũi nhắc lại là cách phòng bệnh tốt nhất khi sars-cov-2 vẫn khó lường. 

Theo GS.TS Phan Trọng Lân phân tích, với các biến thể phụ hiện nay của Omicron, chúng ta vẫn có khả năng đáp ứng phòng bệnh từ vaccine. Không may mắc bệnh, nhưng bệnh không nặng mặc dù tốc độ lây lan của virus rất nhanh, nếu chúng ta liên tục tiêm vaccine theo chỉ định thì vẫn đáp ứng được khả năng phòng bệnh nặng, tử vong. 

Theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc bệnh sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 đến 6 tháng. Do đó, Nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vaccine vẫn rất hiệu quả.