Điểm báo ngày 28/03: Tăng lương tối thiểu: Có tiếp tục “lỗi hẹn”?

Thống nhất một loại giá đất để chống thất thu thuế bất động sản; Tăng lương tối thiểu: Có tiếp tục “lỗi hẹn”?; Dưa hấu rẻ như cho, nông dân thu hoạch toàn nỗi buồn; Xét đặc cách tốt nghiệp THPT: Cần đảm bảo quyền lợi cho thí sinh... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ngày 28/03/2022.

Tăng lương tối thiểu: Có tiếp tục “lỗi hẹn”?

Sắp tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành khảo sát các doanh nghiệp về vấn đề  lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023. Theo chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thời điểm này sẽ rất cần thiết với người công nhân. Bài viết trên báo lao động.

Theo đại diện Hội đồng Tiền lương quốc gia, từ khi Bộ luật Lao động ra đời, hằng năm đều xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng, từ năm 2016-2020, mức điều chỉnh là 7,4%. Từ năm 2019, dịch COVID-19 bùng phát đã gây ảnh huởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp và người lao động nên lương tối thiểu vẫn neo ở mức cũ. Trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá qua từng năm còn mức lương của công nhân lao động chỉ đủ để đảm bảo “nhu cầu sống tối thiểu”. Do đó, công nhân mong muốn năm nay có sự tăng lương tối thiểu vùng để mức sống đảm bảo hơn.

Trên báo Đại biểu nhân dân cũng có bài viết cho rằng Trong thời điểm hiện tại việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là cấp thiết. Đây được xem là biện pháp kích cầu trong mua sắm, tiêu dùng cho nền kinh tế. Quan trọng hơn là thu hút người lao động trở lại các công ty, nhà máy để tiếp tục làm việc sau thời gian phải trở về quê tránh dịch. Đồng thời, đây cũng là giải pháp tạo đà cho việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sau dịch bệnh. Bài viết cũng cho rằng, việc tăng lương tối thiểu đa phần chỉ ảnh hưởng đến việc tăng mức đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp, không ảnh hưởng và tác động đáng kể tới việc làm và tiền lương nói chung.

Thống nhất một loại giá đất để chống thất thu thuế bất động sản

Theo 1 khảo sát, nghiên cứu gần đây cho thấy, giá đất trung bình giao dịch trên thị trường cao gấp 8,23 lần so với giá đất do UBND thành phố ban hành. Điều này cũng đồng nghĩa mức thất thu ngân sách nhà nước từ hoạt động này là rất lớn. Điều này bộc lộ rõ, Thị trường đang tồn tại 2 loại giá bất động sản. Giá đất UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành thường thấp hơn giá thị trường, nên bảng giá của UBND các cấp chủ yếu sử dụng để tính thuế, còn các mục đích khác phải xác định lại theo giá thị trường. Chính vì thế giá đất tồn tại song song hai loại: giá đất do Nhà nước quy định và giá đất thực tế giao dịch trên thị trường.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định bởi: Luật Đất đai 2013 cho thấy còn có nhiều bất cập về giá đất, phần lớn giá đất được ban hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều địa phương hiện nay giá đất đều thấp hơn nhiều so với giá thực tế.

Dưa hấu rẻ như cho, nông dân thu hoạch toàn nỗi buồn

Theo bài viết, Vụ này, nông dân huyện Phù Cát (Bình Định) trồng được 267 ha dưa hấu, giảm gần 180 ha so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, diện tích dưa hấu giảm mạnh, nhưng không vì thế mà giá dưa hấu tăng lên so với các năm, ngược lại còn rớt thảm hại. Người trồng dưa vừa thu hoạch vừa "mếu" vì tiền bán dưa không đủ bù chi phí đầu tư. Nguyên nhân được biết do thị trường Trung Quốc đóng cửa nên năm nay các vùng dưa vắng bóng thương lái đến mua như mọi năm. Dưa hấu chủ yếu tiêu thụ nội địa, dưa chín đồng loạt nên thu hoạch ào ạt, cung vượt cầu nên rớt giá.

Xét đặc cách tốt nghiệp THPT: Cần đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành Thông tư mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 nên nhiều người hiểu là nếu vẫn giữ nguyên quy định như năm 2021, các thí sinh F0, F1, F2 sẽ được đặc cách tốt nghiệp THPT. Điều này rõ ràng có những thuận lợi nhưng cũng chưa hoàn toàn đáp ứng hết mong muốn của các thí sinh bởi nếu không có điểm thi tốt nghiệp THPT, các em sẽ phải xét tuyển đại học bằng phương thức khác. Song không phải thí sinh nào cũng có ưu thế với 3 phương thức này nhất là học sinh ở vùng khó khăn. Bên cạnh đó, nếu đối chiếu với quy định của Bộ Y tế hiện nay là F0 không được ra khỏi nhà thì việc thí sinh đang là F0 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT là không phù hợp. Như vậy, dù là áp dụng hình thức nào thì các thí sinh cũng mong muốn Bộ sớm công bố phương án để thí sinh tập trung chuẩn bị./.