Điểm báo ngày 29/6: Xăng tăng "phi mã", người lao động chật vật

Người lao động chật vật vì giá xăng; Ngân sách sẽ giảm 7000 tỷ đồng; Lời giải cho giao thông bền vững ở Việt Nam từ xe điện; Hơn 14 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam nửa đầu năm ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 29/6/2022.

NGƯỜI LAO ĐỘNG CHẬT VẬT VÌ GIÁ XĂNG

Trong khi thu nhập chưa được cải thiện do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thì nay người lao động lại phải tốn thêm một khoản tiền không nhỏ để “nuôi” phương tiện đi lại bởi giá xăng tăng mạnh. Giá xăng tăng kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng tăng cao khiến đời sống của người lao động gặp vô vàn khó khăn. Thông tin được đăng tải trên báo Đại đoàn kết số ra sáng nay. 

Bài viết cho biết, Xăng dầu là một mặt hàng trong chi tiêu hàng ngày của các hộ gia đình. Giá xăng tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc chi tiêu của người dân. Trong rổ hàng hóa tính CPI ở Việt Nam, chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của người dân. Theo các chuyên gia cách tính này chỉ là con số trung bình nên sẽ có những hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn con số này, và sẽ có những hộ chi tiêu ít hơn. Khi giá xăng tăng, tỷ trọng chi tiêu cho mặt hàng này sẽ tăng lên, dẫn đến giảm thu nhập để chi tiêu vào những mặt hàng khác. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu trong nước dự báo còn tiếp tục tăng, kéo theo hàng loạt các mặt hàng hóa khác tăng giá theo khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người lao động và doanh nghiệp “khó chồng khó”. Chính vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, việc giá xăng tiếp tục tăng sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát khi các doanh nghiệp bắt đầu hoàn thành việc điều chỉnh giá bán các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhằm theo kịp đà tăng của xăng dầu.

NGÂN SÁCH SẼ GIẢM 7000 TỶ ĐỒNG

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng ngày càng tăng cao, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.  

Thông tin được đăng tải trên Thời báo tài chính trong số ra sáng nay, theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm cao nhất là 1.000 đồng/lít đối với xăng, nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá thế giới, góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, Bộ Tài chính ước tính, giảm thuế sẽ khiến ngân sách giảm khoảng 7.000 tỷ đồng. Và cũng theo Bộ Tài chính, tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đến chỉ số CPI phản ánh thông qua mức giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Với giả định giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm tương ứng 500 đồng/lít đến 1.000 đồng/lít như các mức giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Bộ Tài chính và giữ ổn định trong các tháng còn lại của năm 2022, trường hợp nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước tác động của giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chỉ số CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,16%.

LỜI GIẢI CHO GIAO THÔNG BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM TỪ XE ĐIỆN

Một thông tin đáng chú ý khác được đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay cho biết, với nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, xe điện được kỳ vọng là giải pháp tối ưu cho mục tiêu phát triển giao thông bền vững ở các đô thị trong tương lai không xa. 

Theo ý kiến của một số các chuyên gia, Hà Nội hiện có hơn 2.000 xe buýt, số lượng phương tiện sử dụng năng lượng sạch đạt trên 10%. Trong thời gian tới các chuyên gia đề xuất TP Hà Nội cần thay dần bằng phương tiện sử dụng năng lượng sạch, việc các loại hình khác có sức chứa nhỏ hơn cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đơn vị chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Bên cạnh đó, những giải pháp đã và đang được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế trong việc phát triển xe điện và hướng tới mục tiêu xây dựng giao thông bền vững ở Việt Nam, hướng tới xe điện chính là để giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường. Với việc có tới 30% ô nhiễm môi trường có liên quan đến giao thông thì phát triển phương tiện xanh chính là xu hướng tất yếu, không chỉ ở Việt Nam mà của toàn thế giới.

HƠN 14 TỶ USD VỐN FDI VÀO VIỆT NAM NỬA ĐẦU NĂM

Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn thì vốn điều chỉnh tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ đà tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022. 

Theo bài viết đăng tải trên báo Vneconomy, Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượt điều chỉnh vốn tăng 5,9%, nhỏ hơn mức tăng 15,5% trong 5 tháng. Nhưng quy mô điều chỉnh vốn bình quân 6 tháng/2022 đạt gần 14 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn nhiều so với con số này trong cùng kỳ năm 2021 là 8,9 triệu USD/lượt điều chỉnh. Đặc biệt, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong 6 tháng đầu năm. Một điểm tích cực khác là vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm, đạt gần 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 1 điểm phần trăm so với 5 tháng. Điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.