Điểm báo ngày 30/8: Quản lý viên chức theo đúng tinh thần của Luật Viên chức

Tàu cá nằm bờ do các cửa hàng 'hết dầu'; Từ việc bốc thăm vào học mầm non ở Hà Nội: Ngành Giáo dục, chính quyền thiếu dự báo và trách nhiệm!; Tìm thuốc giải cho bệnh chậm, hủy chuyến bay... là những tin tức đáng chú ý sáng 30/8/2022.

Luật Viên chức năm 2010 có bước chuyển quan trọng là chuyển quản lý từ ngạch sang chức danh nghề nghiệp, nhưng tại nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn có dáng dấp quản lý như công chức, phân viên chức theo hạng nghề nghiệp. Bài viết trên báo Đại biểu nhân dân.

Qua khảo sát các địa phương, nhiều ý kiến cho rằng  Việc đưa ra các hạng, ngạch viên chức chủ yếu để xác định lương, không có tác dụng nhiều trong quản lý, sử dụng viên chức. Trong khi đó, quy định này gây khó khăn cho cơ sở khi không đáp ứng được tiêu chuẩn. Thực tế này đòi hỏi Bộ Nội vụ và các bộ liên quan có văn bản hướng dẫn cho các địa phương thực hiện để thu hút, tuyển dụng được các viên chức có chất lượng cao cho đơn vị sự nghiệp, cũng như tránh tùy nghi trong áp dụng. Ngoài ra, cần rà soát tổng thể các quy định về chức danh nghề nghiệp và hạng chức danh nghề nghiệp; trước mắt chỉnh lý các quy định về thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bảo đảm đơn giản, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ. 

TÀU CÁ NẰM BỜ DO CÁC CỬA HÀNG 'HẾT DẦU'

Hàng loạt tàu cá ở Phan Thiết phải nằm bờ, không thể ra khơi đánh bắt hải sản, do ngư dân không mua được dầu diesel chạy tàu. Bài viết phản ánh trên báo điện tử VnExpress. 

Vào mùa cao điểm vụ đánh cá nhưng cảng Phan Thiết yên tĩnh lạ thường. Cả trăm tàu cập bờ, nằm xếp lớp dọc từ bến Cồn Chà lên hướng cầu Trần Hưng Đạo, hầu hết tàu cá đang dừng hoạt động do không có dầu đi biển. Cũng theo bài viết, tại khu vực cảng cá Phan Thiết có 6 cửa hàng xăng dầu chuyên bán dầu cho tàu thuyền đánh bắt cá. Nhưng có đến hai cửa hàng đã đóng cửa. Bốn cửa hàng còn lại mở cửa nhưng khi ngư dân mang can đến mua, nhân viên đều trả lời "không còn dầu". 

Còn trên báo điện tử VOV cũng có bài viết: “Nguồn cung chậm, nhiều phương tiện loay hoay tìm kiếm xăng dầu hoạt động”. Theo bài viết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa bàn tỉnh Tiền Giang có biểu hiện thiếu nguồn cung. Không ít phương tiện vận tải không mua được nhiên liệu hoặc mua số lượng rất hạn chế để hoạt động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này rất cần sớm được sự quan tâm, chấn chỉnh của các ngành chức năng.

TỪ VIỆC BỐC THĂM VÀO HỌC MẦM NON Ở HÀ NỘI: NGÀNH GIÁO DỤC, CHÍNH QUYỀN THIẾU DỰ  BÁO VÀ TRÁCH NHIỆM!

Hơn 700 hồ sơ đăng ký học nhưng trường mầm non công lập chỉ có thể tuyển hơn 320 trẻ. Sự chênh lệch nhu cầu và thực tế này đã dẫn đến hoạt động tổ chức bốc thăm để giành suất trúng tuyển. Câu chuyện này cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm, dự báo và tầm nhìn của cả ngành giáo dục lẫn chính quyền. Bài viết trên báo Nông thôn Ngày nay.

PGS -TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, thấy rõ bất cập trong việc này do ngành giáo dục và chính quyền địa phương chưa có trách nhiệm đầy đủ với trẻ. Các cháu phải đi bốc thăm không phải tự nhiên hay đột xuất mà trẻ đã sinh ra cách đây 3 - 4 năm. 

Theo ông Nhĩ, trẻ nhỏ có quyền được học tập. Việc đưa ra phương án bốc thăm vào học trường công lập, người được trúng tuyển “hân hoan phấn khởi”, nhưng người không may mắn thì “buồn bã, chán nản”... Không nên để trong xã hội xảy ra hiện tượng này, cần tạo điều kiện cho các cháu học tập. Trong trường hợp trường công không đủ phải khuyến khích mở thêm trường tư, có thể có chính sách trợ cấp cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn học trường tư.

TÌM THUỐC GIẢI CHO BỆNH CHẬM, HỦY CHUYẾN BAY

 Kỳ nghỉ 2/9 đang tới gần nhưng rất nhiều hành khách vẫn nơm nớp lo trước tình trạng chậm, hủy chuyến bay của ngành hàng không như đợt cao điểm hè vừa qua. Phản ánh vấn đề này, trên báo Kinh tế Đô thị có bài viết: "Tìm thuốc giải cho bệnh chậm, hủy chuyến bay".

 Hàng không là một lĩnh vực có đặc thù riêng. Các dịch vụ đi kèm cho mỗi chuyến bay như một chuỗi liên kết mật thiết và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chỉ cần một mắt xích trong chuỗi dịch vụ này gặp vấn đề thì cả chuỗi dịch vụ bị trục trặc. Một nguyên nhân lớn nữa bắt nguồn từ chính các hãng hàng không. Tất cả các hãng bay đều muốn nhanh chóng được quay đầu máy bay, chuyển sang chuyến bay khác trong thời gian ngắn nhất để tăng tối đa công suất khai thác. Do đó, bên cạnh việc xây dựng lại kế hoạch khai thác đội bay hợp lý, ngành hàng không cần có sự đầu tư, nâng cấp hạ tầng để nâng cao công suất khai thác của các sân bay, nhất là những sân bay lớn như Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hiện nay, hạ tầng cả hai sân bay này đều đang trong tình trạng quá tải.