Điểm báo ngày 3/11: Vượt qua khó khăn của đại dịch, sản xuất công nghiệp ước tính tăng 9%

Vượt qua khó khăn của đại dịch, sản xuất công nghiệp ước tính tăng 9%; Khu vực phố cổ Hà Nội - Vì sao vẫn khó di dời?; Nhà đầu tư hào hứng với việc bỏ khung giá đất; Giờ vào học: Tranh luận trái chiều; Cấp mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản: “Giấy thông hành” để xuất khẩu tôm, cá ... là những tin đáng chú ý có trong điểm báo sáng nay 3/10.

VƯỢT QUA KHÓ KHĂN CỦA ĐẠI DỊCH, SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP ƯỚC TÍNH TĂNG 9%

Trong 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam ước tính tăng 9% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức thì đây là kết quả hết sức tích cực. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam ước tính tăng 9% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,6%; khai khoáng tăng 5%, sản xuất và phân phối điện nước tăng 7,8%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,5 điểm trong tháng 9, thấp hơn một chút so với 52,7 điểm của tháng 8, nhưng vẫn báo hiệu mức cải thiện liên tục của các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất. Trong đó có 3 điểm nổi bật: sản lượng tiếp tục tăng mạnh; áp lực lạm phát đã giảm; tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm tăng.

KHU VỰC PHỐ CỔ HÀ NỘI - VÌ SAO VẪN KHÓ DI DỜI?

 Cùng với việc giãn dân trong khu vực phố cổ, chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành thì từ lâu Hà Nội cũng đã lên kế hoạch di dời nhiều trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô. Đây là công việc đồ sộ, quy mô lớn, với nguồn kinh phí khổng lồ và sẽ phải tháo gỡ rất nhiều vướng mắc. Trên báo Đại đoàn kết có bài viết: "Vì sao vẫn khó di dời?".

Việc di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi khu vực trung tâm nội đô trên thực tế cũng không phải chỉ riêng của Hà Nội, mà cũng là đòi hỏi thực tiễn của nhiều thành phố lớn trong cả nước. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc), việc bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết 288 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với 45 tỉnh, thành thuộc diện có đơn vị hành chính cần sắp xếp lại còn nhiều bất cập. Ông Mạnh cũng cho rằng Nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước bị buông lỏng trong thời gian dài và nhiều tổ chức, cá nhân cố chây ì tiếp tục đề xuất giữ lại cơ sở nhà, đất để sử dụng không đúng mục đích.

NHÀ ĐẦU TƯ HÀO HỨNG VỚI VIỆC BỎ KHUNG GIÁ ĐẤT

Trong các sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường gây nhiều chú ý.

Theo bài viết trên báo Lao Động, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi lần này được thực hiện nhằm hướng tới việc chuyển định giá đất đai theo khung giá quy định cũ sang khung theo giá thị trường. Bước thay đổi này đặc biệt quan trọng vì nó sẽ giúp cho sự phát triển của thị trường bất động sản nói riêng, nền kinh tế nói chung và giúp thu hút các nhà đầu tư. Trước đây, khi giao đất, quá trình đền bù được tính toán đơn giản vì đã có khung giá đất quy định sẵn. Tuy nhiên, điều này đôi khi gây ra việc đền bù không thỏa đáng và sinh ra nhiều chi phí phát sinh, dẫn đến chậm trễ kế hoạch phát triển dự án.

GIỜ VÀO HỌC: TRANH LUẬN TRÁI CHIỀU

Những ngày vừa qua, câu chuyện giờ vào học của học sinh là chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội cũng như truyền thông.

 Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại cho rằng, trong những năm học qua, nhiều địa phương, nhất là khu vực đô thị thực hiện lệch giờ vào lớp, tan trường để giảm áp lực giao thông vào giờ cao điểm. Theo chia sẻ của 1 số phụ huynh, nhà trường có thể sắp xếp khung giờ học cả ca sáng và chiều muộn hơn để thuận tiện cho học sinh lẫn phụ huynh. Khi đó, học sinh sẽ có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống để đủ sức khỏe tiếp thu bài học. Việc điều chỉnh giờ học linh hoạt sẽ giúp phụ huynh thuận tiện trong việc đưa đón con em.

CẤP MÃ SỐ CƠ SỞ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN: “GIẤY THÔNG HÀNH” ĐỂ XUẤT KHẨU TÔM, CÁ

Việc cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng thủy sản cũng giống như cấp “giấy khai sinh” cho các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của các địa phương. Từ mã số này sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm, qua đó tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Bài viết trên báo Nông thôn Ngày nay.

Theo quy định của Luật Thủy sản 2017: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng cùng với một số đối tượng thủy sản nuôi khác, các cơ sở nuôi phải đăng ký và được cấp mã số cơ sở nuôi. Đây là quy định bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Việc cấp mã số nuôi còn góp phần nâng cao giá trị tôm nuôi khi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trên thực tế, việc đăng ký vùng nuôi, đánh mã số ao nuôi đã được triển khai từ lâu. Nghị định số 26/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã nêu rất rõ vai trò của địa phương về công tác cấp mã số cơ sở nuôi tôm.