Điểm báo ngày 4/7: Phát triển quá nhiều điện gió, điện mặt trời gây sức ép tăng giá điện

Phát triển quá nhiều điện gió, điện mặt trời gây sức ép tăng giá điện; Giải ngân vốn đầu tư công: Tiền vẫn “nằm kho” vì điểm nghẽn; Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Làm gì để cán đích 55 tỉ USD?; Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ giảm CPI khoảng 0,16%... là những tin tức đáng chú trên các mặt báo ngày 4/7.

PHÁT TRIỂN QUÁ NHIỀU ĐIỆN GIÓ, ĐIỆN MẶT TRỜI GÂY SỨC ÉP TĂNG GIÁ ĐIỆN

Bộ Công Thương nhận định, việc phối hợp các nguồn thủy điện, nhiệt điện và điện mặt trời sẽ trở nên phức tạp, khó khăn hơn, gây sức ép lên giá bán lẻ điện. Vì thế, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cần được cân nhắc ở mức độ phù hợp. Bài viết trên báo Lao Động.

Theo Báo Lao Động, phát triển quá nhiều điện gió, điện mặt trời sẽ gây sức ép tăng giá điện. Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về lộ trình phát triển điện mặt trời, ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, điện mặt trời có nhược điểm chỉ huy động được vào ban ngày, không phải muốn có bao nhiêu cũng được. Cho nên, phải cân đối các nguồn khác để dự phòng phát vào giờ cao điểm ban đêm; đồng thời đảm bảo điện mặt trời chỉ có tỉ lệ phù hợp, cân bằng cung cầu, đáp ứng an toàn hệ thống. Vì lý do này nên trong dự thảo Quy hoạch Điện 8 đề xuất đến năm 2030 sẽ không phát triển điện mặt trời mặt đất nữa, còn điện mặt trời áp mái vẫn có thể khuyến khích để tự sử dụng. 

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG: TIỀN VẪN “NẰM KHO” VÌ ĐIỂM NGHẼN

Đã hết quý II/2022 nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm, tái diễn tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được". “Giải ngân vốn đầu tư công: Tiền vẫn “nằm kho” vì điểm nghẽn” là bài viết nổi bật được đăng trên báo Kinh tế Đô thị số ra đầu tuần. 

Theo số liệu của Bộ Tài chính vừa công bố, tỉ lệ ước giải ngân vốn kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch, nhiều nơi giải ngân dưới 10%. Báo Kinh tế Đô thị trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, Đầu tư công cũng không nên tư duy cào bằng nữa, mà cần có ưu tiên với những đơn vị làm tốt, làm hiệu quả, thu hồi vốn với đơn vị kém hiệu quả, để đồng tiền của người dân phát huy được ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội tốt hơn. Chính phủ đã rất quyết liệt về vấn đề này, song cần có liều thuốc đủ mạnh, thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công.

XUẤT KHẨU NÔNG, LÂM, THỦY SẢN: LÀM GÌ ĐỂ CÁN ĐÍCH 55 TỈ USD?

6 tháng đầu năm, bất chấp những khó khăn do tác động của môi trường kinh tế thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao, tăng 13,9% với tổng kim ngạch 27,88 tỉ USD. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Làm gì để cán đích 55 tỉ USD? Câu hỏi này cũng là tiêu đề của bài viết đượcc đăng trên báo Đại Đoàn Kết mới đây.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp không phải là câu chuyện nhất thời mà cần phải thay đổi tư duy phát triển, phải tư duy theo hướng tích hợp đa giá trị, tìm ra những giá trị mới. Theo Báo Đại Đoàn Kết, các thị trường truyền thống vẫn sẽ là cứu cánh cho xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm 2022. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào thương mại để nông sản Việt chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị.

TIẾP TỤC GIẢM THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VỚI XĂNG DẦU SẼ GIẢM CPI KHOẢNG 0,16%

Theo thời báo Tài chính Việt Nam, việc tăng, giảm giá xăng dầu nói chung sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi của chỉ số CPI. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và góp phần ổn định lạm phát. Tuy nhiên, do thuế bảo vệ môi trường là số tuyệt đối, chỉ số CPI là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường đến chỉ số CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành.