Điểm báo ngày 7/03: Đề xuất F1 đi làm trực tiếp, khối sản xuất hoan nghênh nhiệt liệt

Với đề xuất của Bộ Y tế cho F1 đi làm việc trực tiếp; Doanh nghiệp gặp khó vì công nhân nhiễm Covid-19 tăng cao; Xem xét Covid-19 là bệnh đặc hữu: không thể cứ "đóng cửa" chờ dịch biến mất; Covid-19 và sự rối loạn tâm lý học đường; Giá cả tăng, nhiều áp lực dồn lên lạm phát năm 2022... là những tin tức đáng chú ý đăng trên các báo ra ngày 7/03.

Doanh nghiệp gặp khó vì công nhân nhiễm Covid-19 tăng cao

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, 36 doanh nghiệp FDI có tổng số lao động đang làm việc hơn 166.000 người. Tuy nhiên, trong tháng 1 và tháng 2.2022 có tới hơn 5.000 người nghỉ việc và bỏ việc. Trong khi đó, các công ty chỉ tuyển mới được khoảng 2000 người lao động. Đại dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn lao động của các doanh nghiệp FDI, khi công nhân dương tính (F0) liên tục tăng cao, lượng lớn công nhân phải nghỉ việc vì Covid-19 khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Trong khi, việc tuyển mới công nhân không dễ dàng.

Đề xuất F1 đi làm trực tiếp: Khối sản xuất hoan nghênh nhiệt liệt

Chia sẻ tại bài viết, đại diện Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho rằng, Thực tế, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp rất lớn nên nếu cứ F1 mà cách ly tại nhà sẽ thiếu hụt lao động cục bộ. Khi F1 đi làm, các doanh nghiệp chủ động yêu cầu người lao động tuân thủ 5K, bố trí riêng khu vực làm việc. Bên cạnh đó, việc F1 đi làm sẽ giảm bớt khó khăn cho cả cơ quan nhà nước. Còn đại diện  Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Nội, cho biết ngành lao động TP ủng hộ đề xuất F1 đi làm. Tại Hà Nội, số F0 trong các đơn vị, doanh nghiệp khá lớn. Nếu người lao động nghỉ nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

Xem xét Covid-19 là bệnh đặc hữu: không thể cứ "đóng cửa" chờ dịch biến mất

Hiện một số ý kiến cho rằng ở thời điểm này Việt Nam cũng đã xác định thích ứng an toàn với SARS-CoV-2, các quy định mở cửa, nối lại đường bay được thực hiện, thì cần có cách ứng phó với dịch phù hợp hơn. Đã đến lúc bỏ khái niệm F0, F1 và coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu. PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, cũng như trên thế giới, bản chất của virus SARS-CoV-2 dần dần sẽ trở thành bệnh truyền nhiễm chuyên khoa thông thường, quy mô không bao trùm như đại dịch nữa.

Covid-19 và sự rối loạn tâm lý học đường

Theo bài viết, thời gian qua, nhiều phụ huynh đã phát hiện con có biểu hiện khác thường, và phải đưa tới nhờ các bác sĩ thăm khám, chữa trị. Theo các chuyên gia tâm lý, khi học trực tuyến tại nhà, bên cạnh mặt tích cực, thì các em bị cô lập về mặt xã hội và cảm xúc, thiếu các hoạt động vận động, thiếu các tài nguyên học tập, thiếu các phương tiện công nghệ để học. Từ đó, các em có thể thay đổi tâm lý như chán nản, lo lắng, sợ hãi, giảm hứng thú, mất tập trung… Đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách làm thế nào để các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường.

Giá cả tăng, nhiều áp lực dồn lên lạm phát năm 2022

Dự báo một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại năm 2022 như: Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…Theo đại diện Bộ Tài chính, trên cơ sở diễn biến giá cả thị trường 2 tháng đầu năm và các dự báo năm 2022 cho thấy, vẫn có nhiều rủi ro cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai thực các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam