Điểm báo: Nhiều trường đại học “vỡ trận” tuyển sinh: Chuyện đã được cảnh báo trước

Nhiều trường đại học “vỡ trận” tuyển sinh: Chuyện đã được cảnh báo trước; Dạy thêm học thêm: Cần giải quyết từ gốc; Cần sớm có quy định mới tính tỷ lệ nội địa hoá ô tô ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 25/9/2022.

NHIỀU TRƯỜNG ĐẠI HỌC “VỠ TRẬN” TUYỂN SINH: CHUYỆN ĐÃ ĐƯỢC CẢNH BÁO TRƯỚC

Các chuyên gia cho rằng nhiều trường đại học đã "vỡ trận" trong tuyển sinh năm 2022 nên buộc phải xét tuyển bổ sung. Điều này đã được cảnh báo trước mùa tuyển sinh năm nay. Nội dung bài viết trên báo Tuổi trẻ.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng chục trường thiếu chỉ tiêu sau đợt 1: Thứ nhất, sau khi có kết quả lọc ảo cuối cùng của Bộ GD-ĐT, số lượng thí sinh trúng tuyển ít hơn chỉ tiêu tương ứng của ngành mà các trường đã xác định và công bố. Thứ hai, rất nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không có ý định nhập học hoặc không biết rõ quy định này.

Nói cách khác, năm nay tỉ lệ ảo vẫn rất cao. Trong khi đó, tại các cuộc họp trước khi lọc ảo, Bộ GD-ĐT đều khẳng định tỉ lệ ảo năm nay sẽ thấp, nên các trường không dám gọi tỉ lệ vượt chỉ tiêu nhiều vì sợ bị phạt.

DẠY THÊM HỌC THÊM: CẦN GIẢI QUYẾT TỪ GỐC

Năm học mới vừa bắt đầu, nhiều trường đã yêu cầu phụ huynh đăng ký học thêm cho con, mặc dù các con đã học bán trú gần như cả tuần ở trường. Điều này khiến các bậc phụ huynh không khỏi bức xúc. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Báo đại đoàn kết trích dẫn ý kiến 1 số luật sư cho rằng, Với học sinh có nguyện vọng muốn học thêm với giáo viên đang dạy trên lớp nhưng khi đối chiếu với các quy định của Thông tư 17, các em đã học 2 buổi/ngày trên lớp với chính giáo viên này thì giáo viên không được tổ chức dạy thêm đối với nhóm học sinh này. Nhiều ý kiến tranh luận về việc dạy thêm, học thêm bởi xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người học và cả người dạy, cần quan tâm đến việc làm sao để quản lý dạy thêm chặt chẽ hơn thay vì cấm nửa vời hoặc thả nổi.

CẦN SỚM CÓ QUY ĐỊNH MỚI TÍNH TỶ LỆ NỘI ĐỊA HOÁ Ô TÔ

Liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô, theo các hãng xe và chuyên gia, việc bãi bỏ quy định cách tính tỷ lệ nội địa hóa lạc hậu là phù hợp với tình hình hiện nay. Bài viết trên báo Giao thông.

Theo các chuyên gia, việc giữ quy định tỷ lệ rời rạc với linh kiện ô tô có thể khiến các doanh nghiệp không mặn mà sản xuất trong nước, đổ xô nhập khẩu xe nguyên chiếc. Báo giao thông cũng đề cập, để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành ô tô, việc bãi bỏ phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa là cần thiết. Nếu không bãi bỏ quy định trên sẽ gây nhiều hệ quả đến ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.