Hàn Quốc bỏ cách ly với du khách chưa tiêm Vaccine Covid-19, Ép ủng hộ cấm ô tô mới chạy nhiên liệu hóa thạch, Du khách đi máy bay bị kiểm tra ngôn ngữ,... là những tin quốc tế nổi bật có trong điểm báo quốc tế ngày 9/6.
Liên Hợp Quốc: Xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến 1,6 tỷ người
Xung đột tại Ukraine có khả năng gây ảnh hưởng đến 1,6 tỉ người trên toàn thế giới. Đây là cảnh báo vừa được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra vào hôm qua.
Trang Channel News Asia dẫn lời ông Antonio Guterres khi trình bày báo cáo thứ hai của Liên hợp quốc về hậu quả của xung đột tại Ukraine, cho biết ảnh hưởng của xung đột đối với an ninh lương thực, năng lượng và tài chính là những tác động mang tính hệ thống, nghiêm trọng và đang ngày càng tăng tốc. Xung đột cũng đang mỏ ra một làn sóng nghèo đói chưa từng có, để lại sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng cảnh báo nguy cơ thiếu lương thực trong năm tới.
Hàn Quốc bỏ cách ly với du khách chưa tiêm Vaccine Covid-19
Kể từ ngày 8/6, Hàn Quốc chính thức bỏ cách ly đối với du khách chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh bằng đường hàng không vào nước này. Hàn Quốc cũng đồng thời dỡ bỏ giới hạn về số lượng các chuyến bay quốc tế. Thông tin từ báo The Korea Herald.
Trước đó, hành khách chưa được tiêm chủng đầy đủ được yêu cầu phải cách ly trong vòng 7 ngày sau khi tới Hàn Quốc. Theo quy định mới, du khách đến Hàn Quốc vẫn cần nộp kết quả xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành và sau khi nhập cảnh./
Ép ủng hộ cấm ô tô mới chạy nhiên liệu hóa thạch
Hôm qua, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm bán các xe ô tô mới sử dụng xăng hoặc dầu từ năm 2035. Đây là một phần trong nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Theo báo The Straits Times, đề xuất giảm 100% lượng khí thải CO2 từ các xe ô tô mới vào năm 2035 đã được Ủy ban châu Âu đề xuất từ năm ngoài. Sau cuộc bỏ phiếu vào hôm qua, Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục đàm phán với các quốc gia thành viên để tiến tới hoàn thiện luật. Mục tiêu là thúc đẩy sự chuyển dịch phương tiện giao thông sang xe chạy điện và khuyến khích các nhà sản xuất ô tô đầu tư mạnh vào điện khí hóa./.
Du khách đi máy bay bị kiểm tra ngôn ngữ
Hãng hàng không Ryanair của Ireland đang hứng chịu chỉ trích sau khi yêu cầu hành khách Nam Phi chứng minh quốc tịch qua một bài kiểm tra ngôn ngữ trước khi lên máy bay.
Theo thông tin từ CNN, Ryanair yêu cầu các hành khách Nam Phi phải thực hiện một bài kiểm tra bằng tiếng Afrikaans – tiếng mẹ đẻ của 12% dân số Nam Phi và dùng cho người Nam Phi da màu dưới chế độ phân biệt chủng tộc. Về phần mình, hãng hàng không Ryanair giải thích bài kiểm tra, bao gồm các câu hỏi liên quan đến kiến thức chung của Nam Phi, là giải pháp của hãng trước tình trạng hộ chiếu Nam Phi giả tràn lan./.
Nguyên nhân cản trở nỗ lực hạn chế súng đạn tại Mỹ
Liên tiếp các vụ xả súng xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua tại Mỹ đã làm bộc lộ những hạn chế trong quy định kiểm soát súng đạn tại quốc gia này. Chống bạo lực súng đạn không phải là câu chuyện mới, nhưng luôn là vấn đề gây nên nhiều tranh cãi ngay trong lòng nước Mỹ. Báo chí thế giới đã có những bài viết phân tích nguyên nhân cản trở nỗ lực chống bạo lực súng đạn tại Mỹ.
Phân tích về vấn đề này, báo The Guardian đặt câu hỏi: Tại sau nước Mỹ không thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn xả súng hàng loạt?
Bài viết trích một thăm dò vào tháng 11 năm ngoái. Theo đó chỉ 52% người Mỹ ủng hộ kiểm soát súng chặt chẽ hơn, mức thấp nhất kể từ năm 2014. Thậm chí cứ 5 người chỉ 1 người ủng hộ lệnh cấm súng ngắn.
Năm 2013, Quốc hội Mỹ đã cố gắng thông qua một dự luật nhằm mở rộng kiểm tra lý lịch đối với người sử dụng súng. Tuy nhiên, dự luật này đã không được thông qua tại Thượng viện.
Lý giải nguyên nhân cản trở nỗ lực chống bạo lực súng đạn tại Mỹ, hãng tin Bloomberg đăng tải bài viết với tiêu đề: Các vụ xả súng hàng loạt và văn hóa súng đạn ảnh hưởng thế nào đến pháp luật về kiểm soát súng tại Mỹ.
Bài viết đi sâu phân tích về văn hóa súng đạn tại Mỹ, theo đó, Mỹ là một trong 3 quốc gia trên thế giới (bên cạnh Mexico và Guatemala) đưa quyền sở hữu súng vào Hiến pháp. “Quyền được lưu giữ và mang theo vũ khí” của người dân được thiết lập từ Thế kỷ 18 và được ghi trong sửa đổi lần 2 của Hiến pháp Mỹ. Bên cạnh đó, súng cũng được coi là một biểu tượng văn hóa tại Mỹ, gắn liền với hình ảnh những người lính và những cao bồi miền viễn Tây.
Theo Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ, tội phạm về súng đạn chỉ là những người không tuân thủ các quy định về kiểm soát súng. Và vì vậy, xảy ra các vụ xả súng không có nghĩa là cần thêm các quy định kiểm soát súng mới, mà tốt hơn là nên trang bị súng nhiều hơn cho mọi người, để họ có thể tự vệ và bảo vệ những người khác.
Tác giả bài viết cho biết, các quy tắc kiểm soát súng phần lớn do các bang tại Mỹ quyết định. Năm 2021, New York đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ cho phép những người bị tổn hại bởi bạo lực súng đạn kiện các đại lý và nhà sản xuất súng ra tòa. Tuy nhiên, hiện nay, có tới 21 bang tại Mỹ cho phép người dân mang súng đến nơi công cộng mà không cần giấy phép, so với con số 4 bang vào thời điểm năm 2014./.