Điểm báo quốc tế 10/10: Mỹ đẩy mạnh xây dựng kho vũ khí tại Đài Loan (Trung Quốc)

Lãnh đạo triều Tiên thị sát cuộc tập trận hạt nhân; Mỹ đẩy mạnh xây dựng kho vũ khí tại Đài Loan (Trung Quốc); Tổng thống Putin: Vụ nổ trên cầu Kerch là hành động khủng bố; Tổng thống Áo tái đắc cử; Ấn Độ thúc đẩy cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc... là những tin tức quốc tế đáng chú ý.

LÃNH ĐẠO TRIỀU TIÊN THỊ SÁT CUỘC TẬP TRẬN HẠT NHÂN

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn vừa thị sát quá trình huấn luyện quân sự của các đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Korea Herald đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã “chỉ đạo trên thực địa” cuộc tập trận được tiến hành từ ngày 25/9-9/10, khi Mỹ và Hàn Quốc đang tổ chức một cuộc tập trận hải quân phối hợp quy mô lớn ở phía Đông bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Quân đội Triều Tiên đã tổ chức “cuộc tập trận phóng tên lửa đạn đạo theo mô phỏng việc nạp đầu đạn hạt nhân chiến thuật”. KCNA dẫn lời ông Kim Châng Ưn khẳng định, ông cảm thấy không cần phải đối thoại với “kẻ thù”./.

MỸ ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG KHO VŨ KHÍ TẠI ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)

Tờ South China Morning Post hôm nay đưa tin, Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực xây dựng một kho vũ khí trên hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc), tương tự như việc thiết lập những kho vũ khí khác trên khắp thế giới.

Theo một nguồn tin giấu tên, Mỹ thúc đẩy việc thiết lập kho vũ khí tại Đài Loan sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo thời gian gần đây. Theo các chuyên gia, một kho vũ khí sẽ cho phép quân đội Mỹ ngay lập tức hỗ trợ được Đài Loan nếu xảy ra xung đột. Tuy nhiên, kế hoạch này có khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc./.

TỔNG THỐNG PUTIN: VỤ NỔ TRÊN CẦU KERCH LÀ HÀNH ĐỘNG KHỦNG BỐ

Liên quan đến vụ nổ trên câu cầu Cớtch ở bán đảo Crưm, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng, các lực lượng đặc biệt của Ukraine với sự trợ giúp của phương Tây đứng đằng sau vụ việc này.

Tờ Tass dẫn lời Tổng thống Nga trong cuộc họp với Ủy ban Điều tra, khẳng định chính quyền Nga không nghi ngờ rằng vụ nổ trên cầu Crưm là tấn công khủng bố, nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Nga. Đây cũng là thông tin được Ủy ban Điều tra đưa ra, sau khi điều tra tại hiện trường, thẩm vấn nhân chứng và kiểm tra lộ trình của chiếc xe tải phát nổ. Hiện Nga đang nỗ lực xác định các nghi phạm, trong đó không loại trừ cả những người hoạt động trên lãnh thổ Liên bang Nga.

TỔNG THỐNG ÁO TÁI ĐẮC CỬ

Tổng thống Áo Alếcxanđơ An đờ Beo-lừn chắc chắn sẽ tái đắc cử sau khi được khẳng định đã giành đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử hôm qua (9/10), qua đó chiến thắng ngay lập tức mà không cần bước vào vòng 2. Thông tin trên Reuters.

Nhà lãnh đạo kỳ cựu 78 tuổi từ Đảng Xanh giành được nhiều sự yêu mến khi duy trì được sự ổn định đất nước bất chấp Áo phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng thời gian qua. Ông đã giành chiến thắng trước ứng cử viên duy nhất của Đảng Tự do cực hữu, với 56,1% so với 17,9% - từ 95% số phiếu được kiểm. Tổng thống Áo thực hiện phần lớn vai trò nghi lễ, nhưng có thể giải tán toàn bộ Chính phủ hoặc cách chức Thủ tướng trong các giai đoạn chuyển đổi và bất ổn.

ẤN ĐỘ THÚC ĐẨY CẠNH TRANH TRỰC TIẾP VỚI TRUNG QUỐC

“Sức mạnh của tốc độ” là tên của một kế hoạch tham vọng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD vừa được chính phủ Ấn Độ công bố, với mục tiêu là các công ty toàn cầu sẽ chọn Ấn Độ làm trung tâm sản xuất. Kế hoạch đang được nhiều nhà phân tích mổ xẻ, trong đó chỉ ra: Ấn Độ đang thúc đẩy cạnh tranh trực tiếp để chiếm lấy các công ty từ Trung Quốc - “công xưởng của thế giới”.

Bài phân tích trên Times of India cho biết, với dự án Sức mạnh của tốc độ, chính quyền của ông Modi đang tạo ra một nền tảng kỹ thuật số cung cấp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp một giải pháp một cửa để thiết kế các dự án, phê duyệt liền mạch và ước tính chi phí dễ dàng hơn.
Theo các nhà phân tích, việc các dự án được đẩy nhanh tiến độ sẽ mang lại lợi thế lớn cho Ấn Độ, đặc biệt là khi Trung Quốc phần lớn vẫn đóng cửa với thế giới vì đại dịch, và ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng chính sách “Trung Quốc + 1”, tức là tìm kiếm các quốc gia khác để mở rộng hoặc làm nguồn cung ứng, để đa dạng hoá hoạt động kinh doanh cũng như chuỗi cung ứng.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để tạo ra việc làm mới và hỗ trợ nền kinh tế. Kế hoạch của ông đã có một số thành công ban đầu, khi Apple đã bắt đầu lắp ráp iPhone 14 tại Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên tập đoàn công nghệ này chuyển việc sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Ấn Độ một cách nhanh chóng sau khi ra mắt iPhone mới.

Cùng quan điểm, một bài báo trên Business World chỉ ra rằng, hiện nay các công ty hoạt động tại Trung Quốc đang xem Ấn Độ là điểm đến ưa thích để dịch chuyển. Họ đang nhìn thấy tiềm năng to lớn cho sản xuất ở đây, và dự án Sức mạnh của tốc độ sẽ tiếp thêm động lực cho họ trong việc chuyển đổi này. Với sự hỗ trợ của dự án, các công ty nước ngoài sẽ có thể dễ dàng bắt đầu kinh doanh tại Ấn Độ và gia tăng chuỗi cung ứng của mình, nơi họ có được các cơ sở vật chất lớn và nguồn nhân công dồi dào. Bài báo nhấn mạnh, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, nơi có nguồn nhân lực rẻ và có thể sử dụng tiếng Anh. Từ những khía cạnh này, các công ty nước ngoài sẽ có thể bỏ qua Trung Quốc mà chọn Ấn Độ để phát triển trong tương lai.



Anh Tuấn