Điểm báo quốc tế 11/10: Lãnh sự quán Đức tại Ukraine trúng tên lửa

Lãnh sự quán Đức tại Ukraine trúng tên lửa; Nhật Bản, Mỹ tập trận chung mô phỏng bảo vệ đảo xa; Anh trừng phạt quan chức cấp cao Iran; Thái Lan áp dụng chính sách làm việc tại nhà; Mỹ có “cứu” được khủng hoảng năng lượng Châu Âu? ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 11/10/2022.

LÃNH SỰ QUÁN ĐỨC TẠI UKRAINE TRÚNG TÊN LỬA

Hãng Reuters đưa tin, tòa nhà lãnh sự quán Đức tại thủ đô Kiev, Ukraine đã bị trúng tên lửa trong trận không kích hôm qua của Nga.

Bộ Ngoại giao Đức cho hay, không có nhân viên ngoại giao nào bị thương trong vụ tấn công vì tòa nhà đã không được sử dụng kể từ cuối tháng 2, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Chính phủ Đức đã liên hệ với các quan chức ở Kiev để đánh giá mức độ thiệt hại tại đây.

NHẬT BẢN, MỸ TẬP TRẬN CHUNG MÔ PHỎNG BẢO VỆ ĐẢO XA

Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung mô phỏng bảo vệ các đảo xa ở Hokkaido, trong đó sử dụng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Báo Japan Times cho hay, đây là một phần trong cuộc tập trận chung diễn ra từ ngày 1-14/10, với sự tham gia của khoảng 150 binh sĩ lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản đóng tại Hokkaido và 40 lính thủy đánh bộ Mỹ từ căn cứ quân sự Okinawa. Trong cuộc diễn tập ngày 10/10, hai bên đã kiểm tra sự phối hợp giữa các hệ thống, trong đó phía Nhật Bản phóng tổng cộng 24 tên lửa vào mục tiêu cách xa 13 km.

ANH TRỪNG PHẠT QUAN CHỨC CẤP CAO IRAN

Tờ The Guardian đưa tin, Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức an ninh cấp cao và các nhân vật chính trị của Iran. Các lệnh trừng phạt bao gồm cấm không cho các cá nhân trong danh sách tới Anh, cũng như phong tỏa tài sản của những người này tại Anh.

Chính phủ Anh nêu rõ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Mohammed Gachi, chỉ huy lực lượng cảnh sát bảo đảm “đạo đức Hồi giáo” và Haj Ahmed Mirzaei, người đứng đầu đơn vị này ở tại thủ đô Tehran. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cũng đã được áp đặt đối với 5 quan chức khác vì vai trò của họ trong việc trấn áp các cuộc biểu tình năm 2019.

THÁI LAN ÁP DỤNG CHÍNH SÁCH LÀM VIỆC TẠI NHÀ

Các công chức Thái Lan giờ đây đã có thể lựa chọn phương thức làm việc tại nhà. Chính sách mới này đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/10. Đây là thông tin được tờ Bangkok Post đăng tải.

Theo đó, các trưởng bộ phận có thẩm quyền cho phép nhân viên làm việc tại nhà và trong một số trường hợp, nhân viên có thể được chỉ định ngồi tại không gian làm việc chung nhưng việc sắp xếp này không được làm ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất hoặc khả năng cung cấp dịch vụ của cơ quan cho người dân. Quy chế này được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước nhưng không áp dụng với các tổ chức hành chính địa phương, các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công.

MỸ CÓ “CỨU” ĐƯỢC KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU?

Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ vừa công bố, xuất khẩu khí hoá lỏng tự nhiên (LNG) và khí đốt tự nhiên khác của nước này đã tăng mạnh trong tháng 8, đặc biệt là tới các quốc gia châu Âu, nơi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng khi mùa đông tới. Tuy nhiên, với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao như hiện nay, liệu công suất của Mỹ có đủ để đáp ứng hay không? Đây là nội dung được một số báo lớn đăng tải.

Tờ Forbes có bài viết “Xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng của Mỹ sang Pháp, Croatia, Ba Lan tăng hơn 1.000%”. Bài viết cho hay, kim ngạch xuất khẩu khí đốt sang Pháp tăng 421% trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng của riêng tháng 8 đã là 1.094%. Điều tương tự cũng diễn ra với Croatia, Ba Lan và Anh.

Một bài viết được hãng Reuters đăng tải cho hay, các nhà sản xuất khí tự nhiên hoá lỏng của Mỹ đã tăng cường xuất khẩu sang Châu Âu trong tháng 9 bất chấp những hạn chế về sản lượng. Cụ thể, có tổng cộng 87 chuyến hàng đã khởi hành từ các cảng ở Mỹ trong tháng 9, mang theo 6,3 triệu tấn khí tự nhiên hoá lỏng.

Mặc dù nhu cầu năng lượng của Châu Âu đã thúc đẩy ngành công nghiệp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ phát triển mạnh, nhưng công suất của nước này vẫn không đủ để đáp ứng. Đây là nội dung có trong bài viết với nhan đề “Vì sao Mỹ không thể cứu Châu Âu trong cuộc khủng hoảng năng lượng?” được hãng DW đăng tải. Theo đó, Mỹ hiện là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, tuy nhiên các giới hạn về chính trị, kinh tế và kỹ thuật khiến nước này chưa thể trở thành “vị cứu tinh” toàn diện về vấn đề năng lượng.

Cụ thể, Giám đốc tại bộ phận nghiên cứu khí đốt Châu Mỹ của công ty Wood Mackenzie, Eugene Kim giải thích rằng, năng lực sản xuất LNG của Mỹ hiện phần lớn bị ràng buộc trong các hợp đồng dài hạn với các quốc gia ngoài Châu Âu và việc đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp theo sẽ chưa thể thực hiện cho đến năm 2024 hoặc muộn hơn. Ngoài ra, các nhóm hoạt động vì môi trường cho rằng tăng cường xuất khẩu LNG là một cách tiêu cực để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Nguyên nhân là bởi quá trình khai thác và hóa lỏng khí tự nhiên có thể cực kỳ nguy hiểm và gây ô nhiễm. Ngoài metan, quá trình khai thác LNG có thể giải phóng các chất gây ung thư và các chất hóa học có hại khác.

Đỗ Lê Ngọc Anh