Điểm báo quốc tế 11/11: Hội đàm song phương Mỹ Trung bên lề G20

Hội đàm song phương Mỹ Trung bên lề G20; Anh tham gia hợp tác quốc phòng EU; Lạm phát tại Mỹ cho thấy dấu hiệu chậm lại; Nhật Bản đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 8; Nga rút quân khỏi Kherson và tác động đến cục diện chiến trường ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 11/11/2022.

HỘI ĐÀM SONG PHƯƠNG MỸ TRUNG BÊN LỀ G20

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc hội đàm song phương bên thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 trong thời gian tới.

Nhà Trắng cho biết, ông Joe Biden sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia trong ngày 14/11 tới, nhằm thảo luận về các các vấn đề cải thiện các đầu mối thông tin liên lạc giữa 2 quốc gia. Bên cạnh đó, 2 nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các vấn đề liên quan đến vai trò của 2 nước trong các vấn đề quốc tế. Đây sẽ lần đầu tiên 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đối thoại trực tiếp kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền Tổng thống Mỹ.

ANH THAM GIA HỢP TÁC QUỐC PHÒNG EU

Anh sẽ tham gia vào các chương trình phát triển khả năng quốc phòng của Liên minh Châu Âu nhằm đảm bảo an ninh trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực.

The Politico dẫn lời Cao ủy Ngoại giao Liên minh Châu Âu Josep Borell, EU đã chấp thuận đề xuất của Anh trong việc tham gia các hoạt động tăng cường khả năng quốc phòng an ninh của khối do Hà Lan dẫn đầu, bao gồm loại bỏ các rào cản hải quan trong việc triển khai binh sĩ và khí tài. Đây được cho là một bước tiến lớn trong hợp tác giữa Anh và EU kể từ khi Anh quyết định rời khỏi liên minh này.

LẠM PHÁT TẠI MỸ CHO THẤY DẤU HIỆU CHẬM LẠI

Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đang cho thấy dấu hiệu tăng trở lại sau nhiều tháng vừa qua, báo hiệu lạm phát đang tăng chậm lại.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ tăng nhẹ từ đó đẩy mức tăng hàng năm lên 8%, giới chuyên môn đánh giá đây là tín hiệu cho thấy tốc độ lạm phát tăng đang chậm dần lại và điều này sẽ cho phép Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED có thêm nhiều dư địa hơn để tăng trần lãi suất tham chiếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường lao động tại Mỹ lại cho thấy dấu hiệu sụt giảm khi lượng người đăng ký trợ cấp thất nghiệp tăng cho thấy thị trường lao động vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn.

NHẬT BẢN ĐỐI MẶT LÀN SÓNG LÂY NHIỄM COVID-19 THỨ 8 

Với số ca nhiễm tăng mạnh trở lại, Nhật Bản đang đối mặt nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 tồi tệ nhất từ thời điểm dịch bùng phát.

Cơ quan Y tế Nhật Bản cho biết, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng 40% trong thời gian qua, tập trung tại các tỉnh như Hokkaido, Miyagi và Fukushima. Nhiệt độ giảm mạnh tại Hokkai và các tỉnh thuộc vùng Tohoku khiến cho việc lưu thông không khí cùng với các bệnh lý theo mùa được cho là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng số ca lây nhiễm. Hiện tại, Nhật Bản hiện tại chưa ghi nhận các biến chủng mới đã được phát hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới.

NGA RÚT QUÂN KHỎI KHERSON VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN CỤC DIỆN CHIẾN TRƯỜNG

Nga đã quyết định rút quân khỏi Kherson, một trong các thành phố trọng điểm trong chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Động thái này đặt ra nhiều câu hỏi về mục đích của quân đội Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đây cũng là chủ đề phân tích của báo chí thế giới

Tờ The Washington Post đăng tải bài viết đánh giá tầm quan trọng của quyết định rút quân khỏi Kherson của Moscow. Tác giả bài viết nhận định quyết định rút quân khỏi Kherson được đưa ra bởi hội đồng tham mưu cấp cao, việc tái tổ chức lực lượng tại bờ đông sông Dnieper cho phép quân đội Nga thiết lập phòng tuyến hiệu quả hơn và bảo toàn lực lượng khỏi các tổn thất không đáng có.

Tuy nhiên tác giả cũng lập luận, Kherson là một thành phố cảng có tầm quan trọng lớn đối với việc kiểm soát hoạt động thương mại thông qua Biển Đen, đồng thời thành phố này cũng đóng vai trò như trạm trung chuyển đạn dược khí tài và quân nhân đến các khu vực trên tiền tuyến, quyết định rút quân cho thấy đã có sự thay đổi trong phương hướng triển khai các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.

Trong bối cảnh quân đội Ukraine tiếp tục triển khai các chiến dịch phản công, việc rút quân của quân đội Nga sẽ trở nên khó khăn hơn khi các lực lượng Nga phải di chuyển và phải né tránh hỏa lực trả đũa của Ukraine, tác giả đánh giá điều này có thể sẽ khiến quân đội Nga chịu thêm nhiều tổn thất.

Cũng liên quan đến động thái rút quân khỏi thành phố cảng Kherson, tờ TASS đã có bài viết phân tích về mục đích và chủ đích của điện Kremlin. Tác giả bài viết nhận định việc duy trì một cứ điểm thường xuyên bị pháo kích sẽ đem lại nhiều bất lợi cho quân đội Nga, các lực lượng Ukraine thường xuyên pháo kích làm gián đoạn hệ thống hậu cần. Bên cạnh đó, việc kiểm soát một hệ chiến tuyến dài hơn 150km sẽ đặt ra một bài toán khó khăn về mặt nhân sự, vì vậy việc rút quân khỏi Kherson sẽ cho phép Moscow triển khai nhân lực đến các tiền tuyến trọng điểm hơn, đồng thời cho phép các đơn vị đã chịu nhiều thiệt hại có thời gian để phục hồi và tái triển khai ở các điểm xung yếu trên chiến tuyến.

Hoàng Lịch