Điểm báo quốc tế 11/7: Tiết lộ động cơ gây án của thủ phạm ám sát ông Abe Shinzo

Tiết lộ động cơ gây án của thủ phạm ám sát ông Abe; Thủ tướng Kishida và cơ hội thúc đẩy các chính sách cải tổ; Ukraine yêu cầu người dân Kherson sơ tán; Sri Lanka đối mặt khủng hoảng trầm trọng; Lũ lụt Australia cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 11/7/2022.

TIẾT LỘ ĐỘNG CƠ GÂY ÁN CỦA THỦ PHẠM ÁM SÁT ÔNG ABE SHINZO

Ba ngày sau khi xảy ra vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Cảnh sát Nhật Bản vừa tiết lộ thêm thông tin về động cơ và cách thức gây án của kẻ ám sát Tetsuya Yamagami.

CNBC đăng tải thông tin cho biết, về động cơ gây án, Yamagami nói rằng, hắn có mối hận với một tổ chức tôn giáo mà mẹ hắn đã đóng góp một khoản quyên góp khổng lồ và hắn cho rằng cựu Thủ tướng Abe Shinzo có liên quan đến tổ chức này. Hắn đã dành nhiều tháng để lên kế hoạch cho vụ ám sát bằng súng tự chế, thậm chí đã định ra tay từ buổi vận động bầu cử từ ngày hôm trước của ông Abe. Theo đài truyền hình NHK, thủ phạm Yamagami đã cân nhắc thực hiện một vụ đánh bom trước khi chọn dùng súng.

THỦ TƯỚNG KISHIDA VÀ CƠ HỘI THÚC ĐẨY CÁC CHÍNH SÁCH CẢI TỔ

Liên minh cầm quyền tại Nhật Bản gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh đã giành được 76 ghế trong tổng số 125 ghế được bầu lại ở Thượng viện, qua đó giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử diễn ngay sau khi xảy ra vụ ám sát ông Abe Shinzo. Nhiều bài phân tích cho rằng, tỷ lệ phiếu ủng hộ cao sẽ giúp Thủ tướng Fumio Kishida củng cố vị trí để có thể dẫn dắt Nhật Bản phục hồi sau giai đoạn đại dịch Covid-19, khống chế giá tiêu dùng đang tăng cao cũng như tăng cường khả năng quốc phòng.

Tờ South China Morning Post có bài viết cho biết, cuộc bầu cử Thượng viện thường được coi là cuộc trưng cầu dân ý đối với hiệu quả của chính phủ hiện tại. Việc liên minh cầm quyền Nhật Bản giành được đa số ghế trong Thượng viện sẽ mở đường cho việc nước này sẵn sàng sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình, qua đó tăng cường vai trò quân sự của Nhật Bản trên toàn cầu - một mục tiêu mà cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã theo đuổi từ lâu. Dù vậy, Thủ tướng Fumio Kishida dự kiến sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc đưa ra các chính sách, trong bối cảnh giá cả tăng cao và tình trạng thiếu hụt năng lượng, đặc biệt là sau đợt nắng nóng đầu mùa hè dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước này.

Bài phân tích trên Japan Times cũng chỉ ra rằng, chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện đã mở đường cho Thủ tướng Fumio Kishida tiếp tục thực hiện những chính sách mà ông đã theo đuổi kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, trong đó có chính sách kinh tế, các biện pháp mở cửa hậu Covid-19 và cả sự thay đổi chưa từng có trong lĩnh vực quốc phòng. 

Về kinh tế, ông Kishida sẽ có thể thúc đẩy chính sách mà ông gọi là “chủ nghĩa tư bản mới” của mình, bao gồm đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học và đổi mới; tăng số lượng công ty khởi nghiệp; và thúc đẩy chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.

Về an ninh, tỷ lệ áp đảo tại Thượng viện sẽ cho phép Thủ tướng Kishida có cơ hội thực hiện những thay đổi trong lĩnh vực quốc phòng, trong đó có việc sửa đổi Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) lần đầu tiên kể từ khi được thông qua vào năm 2013, trong đó dư luận đặc biệt chú ý xem liệu ông có lựa chọn 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng hay không, khi từ trước đến nay con số này ở Nhật Bản chỉ là 1%. 

Việc sửa đổi Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) cũng có thể bao gồm cả khả năng tấn công căn cứ của đối phương trong trường hợp cần thiết, như một biện pháp răn đe của Nhật Bản đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên Thủ tướng Kishida có thể sẽ vấp phải sự phản đối với những thay đổi này khi những người không ủng hộ cho rằng nó thể hiện sự thay đổi quá lớn của Nhật Bản so với điều 9 Hiến pháp về việc từ bỏ chiến tranh của nước này, cũng như sẽ kích động việc tăng cường chạy đua vũ trang trong khu vực và phá hoại sự ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

UKRAINE YÊU CẦU NGƯỜI DÂN KHERSON SƠ TÁN

Reuters đưa tin, Phó Thủ tướng Ukraine đã lên tiếng thúc giục người dân ở Kherson, một tỉnh ở miền Nam - nơi lực lượng Nga đang kiểm soát - phải sơ tán khẩn cấp vì các lực lượng vũ trang Ukraine lên kế hoạch thực hiện chiến dịch phản công ở đó.

Reuter dẫn lời Phó Thủ tướng Ukraine cho biết, dự kiến sẽ có giao tranh và pháo kích trong khu vực, nên chính quyền Ukraine yêu cầu người dân sơ tán khẩn cấp. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Ukraine không nêu chính xác thời điểm diễn ra chiến dịch phản công.

Ukraine mất kiểm soát hầu hết tỉnh Kherson ngay trong những ngày đầu khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Các quan chức được Nga bổ nhiệm ở Kherson cho biết, họ muốn tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga, trong khi Điện Kremlin cho biết, tương lai của vùng này sẽ do người dân quyết định.

SRI LANKA ĐỐI MẶT KHỦNG HOẢNG TRẦM TRỌNG

Đất nước Sri Lanka đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế - nhân đạo nghiêm trọng sau khi cả Thủ tướng và Tổng thống nước này đồng ý từ chức, CNN đưa tin.

Tình trạng bất ổn kinh tế đã đẩy quốc đảo 22 triệu dân Sri Lanka vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, khiến hàng triệu người phải vật lộn để mua thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu, gây nên các cuộc biểu tình khắp cả nước. Theo Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, quyết định từ chức của Tổng thống được thực hiện để đảm bảo một sự bàn giao quyền lực một cách hòa bình, tuy nhiên sự chuyển giao quyền lực diễn ra như thế nào hiện nay vẫn chưa chắc chắn. CNN dẫn lời Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng, các bên tại Sri Lanka phải cùng làm việc với cộng đồng quốc tế để thành lập một chính phủ mới tôn trọng nguyện vọng của người dân nước này.

LŨ LỤT AUSTRALIA CẢNH BÁO HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Những ngày qua, mưa lớn trên khắp bờ biển Đông Nam của Australia đã khiến thành phố Sydney và một số vùng rộng lớn của bang New South Wales chìm trong biển nước và hàng chục nghìn người phải sơ tán. Theo các nhà khoa học, mưa lớn bất thường kéo dài tiếp tục cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

The Guardian dẫn phân tích của các nhà khí tượng cho biết, khu vực trung tâm Thái Bình Dương đang ở trạng thái “La Nina”, theo đó nhiệt độ bề mặt nước biển ở phía đông Thái Bình Dương thấp hơn bình thường, trong khi ở phía tây Thái Bình Dương, đặc biệt là xung quanh Indonesia và phía đông Australia, ấm hơn bình thường. Sự gia tăng nhiệt độ này là nguyên nhân dẫn đến lượng mưa lớn ở Australia những ngày qua, đồng thời tạo ra bởi một loạt các cơn bão ở Thái Bình Dương. Mặc dù La Nina là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng mưa lớn kéo dài bất thường này, nhưng đây cũng được coi là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu đã được các nhà khoa học dự báo trước.

Hồng Nhung