Điểm báo quốc tế: Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc thăm Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc thăm Việt Nam; Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi điều tra Tổng thống Biden; Phát hiện mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu;.... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo quốc tế ngày 13/1.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HÀN QUỐC THĂM VIỆT NAM

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo cùng phu nhân Shin Joong-hee và đoàn đại biểu Quốc hội Hàn Quốc đã tới TP Hồ Chí Minh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến 18/1 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. 

Theo thông tin được tờ Korea Times đăng tải, Chủ tịch Kim Jin Pyo sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nan để thảo luận về cải thiện quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính, xây dựng cho tới công nghiệp quốc phòng. Trong thời gian này, Chủ tịch Kim Jin Pyo cũng dự kiến tham dự lễ khánh thành Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc, thúc đẩy Hàn Quốc đăng cai tổ chức World Expo 2030. 

CHỦ TỊCH HẠ VIỆN MỸ KÊU GỌI ĐIỀU TRA TỔNG THỐNG BIDEN

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, người của đảng Cộng hòa, đã kêu gọi Quốc hội nước này điều tra Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sau khi các tài liệu mật được tìm thấy tại nhà riêng của ông Biden ở Wilmington, bang Delaware. Hãng Abcnews đưa tin. 

Bài viết cho hay, ông Kevin McCarthy cho rằng Quốc hội có nghĩa vụ điều tra việc Tổng thống Joe Biden xử lý các tài liệu mật và ông không thấy có sự khác biệt so với trường hợp của cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên khi được hỏi vì sao việc xử lý các tài liệu mật của Tổng thống Trump không phải là ưu tiên hang đầu, ông McCarthy đã né tránh và tiếp tục tập trung vào “cuộc đột kích” ở Mar-a-Lago. 

PHÁT HIỆN MỎ ĐẤT HIẾM LỚN NHẤT CHÂU ÂU

Tờ Politico đăng tải thông tin công ty khai khoáng Thụy Điển LKAB đã phát hiện mỏ đất hiếm có trữ lượng hơn một triệu tấn tại thành phố Kiruna ở vùng cực Bắc của Thụy Điển. Đây được xem là mỏ đất hiếm lớn nhất ở châu Âu. 

Dẫn lời Chủ tịch và Giám đốc điều hành công ty Jan Mostrom, nhận định mỏ đất hiếm này có thể trở thành nguồn quan trọng trong việc “sản xuất nguyên liệu thô thiết yếu thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh”. Với quy trình cấp phép hiện tại, sẽ phải mất từ 10-15 năm để bắt đầu các hoạt động khai thác tại mỏ Kiruna. 

DELHI LÀ THÀNH PHỐ Ô NHIỄM NHẤT ẤN ĐỘ NĂM 2022

Theo một báo cáo gần đây của Ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương, thủ đô Delhi là thành phố ô nhiễm nhất Ấn Độ trong năm 2022 với chỉ số bụi min PM2,5 cao hơn gấp đôi giới hạn an toàn. 

Báo cáo do đơn vị theo dõi Chương trình không khí sạch quốc gia (NCAP) thực hiện. Đây là dự án chung được thiết kế nhằm theo dõi tiến bộ của Ấn Độ trong việc đạt được các mục tiêu không khí sạch. Ấn Độ đã khởi động Chương trình Không khí sạch Quốc gia vào năm 2019 để giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM10 trong thành phố từ 20% - 30% vào năm 2024 so với năm 2017. 

XU HƯỚNG ĐI DU LỊCH TIÊM VACCINE mRNA COVID-19 CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

Kể từ khi Trung Quốc mở cửa biên giới, nối lại hoạt động du lịch, một số nước trong khu vực ghi nhận số lượng gia tăng người Trung Quốc đặt tiêm vaccine mRNA covid-19, loại vaccine được sử dụng phổ biến trên khắp thế giới nhưng không được Trung Quốc ủng hộ. Xu hướng du lịch vaccine này đã được một số trang báo ghi nhận và đưa tin. 

Theo một bài viết được hãng Reuters đăng tải, một bệnh viện tư nhân ở Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã tiếp đón một đợt khách Trung Quốc chỉ 5 ngày sau khi Trung Quốc mở lại biên giới. Bài viết Dẫn lời chị Yoyo Liang, người dân Bắc Kinh, cho hay chị đã tiêm 3 liều vaccine Sinovac trong 2 năm qua, nhưng vẫn muốn tiêm 2 liều vaccine tăng cường cuiar Pfizer-BioNtech để bảo vệ bản thân tốt hơn trước virus.

Còn tại Singapore, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng đang nhận được nhiều câu hỏi hơn về việc tiêm vaccine covid-19 từ du khách Trung Quốc. Đây là nội dung được hãng Channel News Asia đăng tải. Theođó, du khách Trung Quốc đang tìm kiếm các mũi tiêm mRNA, như vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Parkway Shenton đang cố gắng đáp ứng yêu cầu của du khách và “cũng lien lạc với các bên lien quan để đảm bảo đủ nguồn cung và dự trữ”. Còn với Trung tâm Starmed, mặc dù chỉ cung cấp vaccine của Sinopharm nhưng trong 2-3 tuần qua, trung tâm này cũng nhận được nhiều yêu cầu và câu hỏi về các mũi tiêm mRNA.

Hãng CNBC dẫn lời Chủ tịch công ty tư vấn quản lý Emhance International, cho rằng “điểm đến tự nhiên đầu tiên của du lịch vaccine Trung Quốc là Hong Kong. Sau đó sẽ lan sang các nước châu Á và Mỹ, có thể mở rộng sang châu Âu”. Tuy nhiên, với số lượng khách du lịch đổ tới quá đông, bài viết cho hay, ngay cả khi khách hàng đặt lịch tiêm sớm nhất vào giữa tháng 12/2022 thì các suất tiêm tiếp theo tại Bệnh viện Đại học Khoa học và Công nghệ Macao cũng muộn nhất là vào tháng 2/2023 mới có. Chính phủ Hong Kong (Trung Quốc) cũng cho biết sẽ không cung cấp vaccine covid-19 miễn phí cho khách du lịch ngắn ngày, và khách du lịch phải ở lại tối thiểu 30 ngày để được tiêm nhắc lại. Ngoài ra, bài viết cũng chỉ ra Thái Lan cũng là một điểm đến khả thi khác đối với những khách du lịch muốn tiêm vaccine Covid-19. Ngược lại với Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan đang xem xét đề xuất tiêm vaccine miễn phí cho du khách nước ngoài có yêu cầu tiêm nhắc lại. Điều này được người dân Trung Quốc đánh giá không chỉ “giúp thu hút khách du lịch tới Thái Lan” mà còn cung cấp nhiều loại hình tiêm chủng hơn, giúp đôi bên cùng có lợi.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam