Điểm báo Quốc tế 14/03: Nỗ lực ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine

Thông tin được báo chí quốc tế quan tâm ngày 14/03 là những nỗ lực ngoại giao của Nga và Ukraine nhằm chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay. Trong một bài viết được hãng tin Reuters đăng tải, vòng đàm phán tiếp theo giữa các phái đoàn của Kiev và Moscow dự kiến diễn ra trong ngày 14/03, theo giờ địa phương, theo hình thức trực tuyến.

NỖ LỰC NGOẠI GIAO CHO CUỘC XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE

Thông tin từ Reuters cho biết, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Zelenskiy và Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời nhấn mạnh rằng ông Putin mới là người đưa ra quyết định cuối cùng. Bài viết dẫn lời Tổng thống Zelenskiy khẳng định “Đây là một con đường khó khăn, nhưng con đường này là cần thiết.”. Ông nhấn mạnh mục tiêu là để “Ukraine có được kết quả trong cuộc đấu tranh này. Cần thiết cho hòa bình, và cho an ninh.”. Tác giả bài viết cũng đưa ra nhận định của các chuyên gia rằng, mặc dù các cuộc đàm phán vẫn chưa mang lại tiến triển rõ rệt, nhưng rõ ràng cơ hội cho ngoại giao vẫn chưa hề khép lại.

Trong khi đó, bài viết được hãng tin Tass đăng tải với tiêu đề “Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng lập trường của Nga, Ukraine đã “gần nhau hơn” trong một số vấn đề”, khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin “không phản đối một cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky” để thảo luận về tình hình Ukraine. Bài viết dẫn lời của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại một diễn đàn ngoại giao ở Antalya, nhấn mạnh “các cuộc đàm phán nghiêm túc giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục. Là một quốc gia trung lập, Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng vào cả hai bên.”. Ngoại trưởng Cavusoglu cũng nhấn mạnh rằng “lập trường của Nga và Ukraine đã trở nên gần gũi hơn trong một số vấn đề.”

--

TRUNG QUỐC PHONG TỎA THÀNH PHỐ THÂM QUYẾN

Theo thông tin được đăng tải trên tờ The Economic Times, tất cả người dân đang sinh sống tại Thâm Quyến, một trong những trung tâm công nghệ và tài chính của Trung Quốc, sẽ phải trải qua ba lần xét nghiệm khi thành phố này ghi nhận 66 trường hợp mắc Covid-19 mới. Tất cả các cơ sở kinh doanh, ngoại trừ những cơ sở cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm thiết yếu, đều phải đóng cửa hoặc làm việc tại nhà. Ngoài ra, bài viết cũng cho biết Hong Kong (Trung Quốc) cũng đang phải gồng mình để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Dẫn lời Tiến sỹ Albert Au, một chuyên gia thuộc Trung Tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong, cho rằng “người dân không nên lầm tưởng virus đã được kiểm soát”. Ông cũng khuyến cáo “một khi chúng ta mất cảnh giác, dịch bệnh chắc chắn sẽ bùng phát trở lại”.

--

PHÁP TRỢ GIÁ NHIÊN LIỆU CHO NGƯỜI DÂN

Dẫn lời Thủ tướng Pháp Jean Castex, bài báo cho hay biện pháp hỗ trợ này dự kiến được áp dụng trong vòng 4 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4 tới. Biện pháp này cũng sẽ giúp người lái xe tiết kiệm được khoảng 9 euro cho một bình xăng dung tích có 60 lít. Thủ tướng Jean Castex cho biết thêm dự chi của Chính phủ Pháp cho biện pháp này là khoảng hơn 2 tỷ euro, đồng thời kêu gọi các nhà phân phối nhiên liệu cần hỗ trợ các biện pháp của chính phủ bằng cách giảm giá bán lẻ của mình. 

--

HÀN QUỐC ÁP DỤNG LUẬT CHỐNG ĐỘC QUYỀN TRONG THANH TOÁN TRỰC TUYẾN

Bài viết đăng tải trên tờ The Korea Times cho hay, theo hướng dẫn của Cơ quan quản lý Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC), các nhà chức trách sẽ xác định hành vi vi phạm của các nhà điều hành cửa hàng ứng dụng dựa trên một số tiêu chí, trong đó bao gồm cả việc liệu các nhà phát triển ứng dụng có được tự do lựa chọn hệ thống thanh toán hay không. KCC cũng sẽ xác định liệu các nhà điều hành cửa hàng ứng dụng có gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dung, hoặc cản trở canh tranh công bằng hay không. Bài viết chỉ rõ, đối với các doanh nghiệp vi phạm, mức tiền phạt sẽ được xem xét dựa trên hành vi, có thể lên tới 2% doanh thu trung bình hằng năm từ các hoạt động kinh doanh có liên quan. Các quy tắc mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3./.