Điểm báo Quốc tế 15/08: Đoàn Đại biểu Quốc hội Mỹ thăm Đài Loan (Trung Quốc)

Đoàn Đại biểu Quốc hội Mỹ thăm Đài Loan (Trung Quốc); Hàn Quốc nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; Đông Á đối mặt hậu quả của biến đổi khí hậu; EU cân nhắc việc cấp visa du lịch cho người Nga; Dư luận Mỹ đảo chiều sau vụ khám xét nhà ông Trump là những tin tức quốc tế đáng chú ý.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI MỸ THĂM ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)

Tờ South China Morning Post đưa tin, một phái đoàn gồm các đại biểu Quốc hội Mỹ đã đến Đài Loan (Trung Quốc) vào hôm qua. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang.

Phản ứng về chuyến thăm, Đại sứ quán Trung Quốc tại khẳng định các đại biểu Quốc hội Mỹ cần phải hành động nhất quán với chính sách “một Trung Quốc”, và cho rằng chuyến đi này "một lần nữa chứng tỏ rằng Mỹ không muốn thấy sự ổn định trên eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết các đại biểu Quốc hội đã đến Đài Loan trong nhiều thập kỷ và sẽ tiếp tục làm như vậy, khẳng định các chuyến thăm vẫn phù hợp với chính sách “một Trung Quốc” từ trước đến nay của Mỹ.

 HÀN QUỐC NỖ LỰC PHI HẠT NHÂN HÓA BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Tổng thống Hàn Quốc Yun Sấc-Yơng được cho là sắp công bố một “kế hoạch táo bạo” nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tờ Korea Times đưa tin nhân kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh nước này (15/8/1945 – 15/8/2022)   

Theo Korea Times, Kế hoạch này đề cập đến việc Seoul chuẩn bị làm việc với cộng đồng quốc tế để đưa ra các biện pháp củng cố nền kinh tế của Triều Tiên và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân nước này, nếu Triều Tiên chấp thuận tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Các chi tiết chính có thể sẽ được công bố trong ngày kỷ niệm Quốc khánh hôm nay, hoặc trong một cuộc họp báo ngày 17/4 đánh dấu 100 ngày nhậm chức của Tổng thống

 ĐÔNG Á ĐỐI MẶT HẬU QUẢ CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU 

Tờ Straits Times dẫn báo cáo của các nhà khoa học cho biết, khu vực Đông Á đang đối mặt với các đợt nắng nóng thường xuyên và dữ dội hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu, làm tăng rủi ro đối với sức khỏe con người, đặt ra nhu cầu cấp thiết để phát triển các chiến lược thích ứng. 

Straits Times dẫn phát biểu của Giáo sư Kyung-Ja Ha, Đại học Quốc gia Pusan cho biết, sóng nhiệt sẽ trở thành một hiện tượng phổ biến hơn nhiều trong điều kiện khí hậu ngày càng ấm hơn như hiện nay, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, tài nguyên nước và nông nghiệp. Sử dụng các biện pháp dự báo trên máy tính, nhóm nghiên cứu nhận thấy các đợt nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên hơn và kéo dài hơn trên khắp Đông Á trong tương lai, ngay cả khi lượng phát thải khí nhà kính được giữ ở mức tối thiểu.

EU CÂN NHẮC VIỆC CẤP VISA DU LỊCH CHO NGƯỜI NGA

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukriane gây chia rẽ ở châu Âu, chính phủ các nước Phần Lan và Estonia mới đây đã kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) khác ngừng cấp thị thực du lịch cho người

Thông tin đăng tải trên DW cho biết, ở Phần Lan, 58% người dân không muốn cấp thị thực du lịch cho người Nga, theo một cuộc thăm dò của đài truyền hình Yle. Trên thực tế, vấn đề thị thực Schengen cho người Nga sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao EU tại Praha vào cuối tháng 8 này. Dù vậy nhiều người Nga đã lên tiếng chỉ trích hành động này của phía châu Âu là nhằm “trừng phạt tất cả người Nga”.

DƯ LUẬN MỸ ĐẢO CHIỀU SAU VỤ KHÁM XÉT NHÀ ÔNG TRUMP

Đã một tuần trôi qua từ khi xảy ra vụ khám xét dinh tư chấn động của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Là người lên tiếng trước, ông Trump đã nhận được sự cảm thông của nhiều nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và người dân Mỹ trước động thái chưa từng có tiền lệ ở nước Mỹ. Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận Mỹ dường như đang đảo chiều trước các nguồn thông tin khác nhau.   

Một bài báo trên The Guardian hôm nay trích dẫn nhiều phát biểu của các lãnh đạo và đảng viên đảng Cộng hòa Mỹ, những người vốn chưa lên tiếng từ sau vụ dinh tư của cựu tổng thống Donald Trump bị khám xét, chỉ trích "những lời hùng biện thái quá" của các thành viên trong Đảng này cáo buộc các quan chức thực thi pháp luật liên bang về một cuộc “tấn công chính trị” nhằm vào ông Trump. Thống đốc bang Maryland Larry Hogan, một người vốn được cho là ôn hòa, đã mô tả các cuộc tấn công của các thành viên trong Đảng này là “vô lý” và “nguy hiểm”. Nữ nghị sĩ Liz Cheney, một thành viên cấp cao trong ủy ban điều tra Hạ viện thì cho biết bà cảm thấy xấu hổ trước những lời chỉ trích nhằm vào FBI. Các bình luận đánh dấu sự chia rẽ ngày càng tăng của các thành viên đảng Cộng hòa về vụ khám xét, trong khi nhiều đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện hầu như vẫn im lặng trước hành động thực thi pháp luật chưa từng có này

Một bài báo khác trên Financial Times cho biết, việc Bộ trưởng Bộ tư pháp Merrick Garland lên tiếng và những thông tin rò rỉ về vụ khám xét đã khiến mọi người thay đổi cái nhìn. Hóa ra cựu Tổng thống Trump thực sự đã giữ lại rất nhiều tài liệu tuyệt mật và tối mật tại Mar-a-Lago, điều có thể gây nguy hiểm với an ninh quốc gia và có khả năng vi phạm Đạo luật gián điệp của Mỹ. Không ai biết về động cơ của ông Trump, về lý do tại sao ông mang tài liệu về và những gì ông ấy định làm, nhưng nó cho thấy ông đã không tuân thủ trát hầu tòa vài tuần trước để bàn giao các tài liệu. Vì vậy, cuộc đột kích vào tuần trước là giải pháp cuối cùng và không đáng bị lên án như thời gian qua.

Anh Tuấn