Điểm báo quốc tế 18/03: Hạ viện Mỹ đình chỉ quan hệ thương mại với Nga và Belarus

Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm đình chỉ Qui chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn với Nga và Belarus; Tổ chức quốc tế cảnh báo xung đột Ukraine sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu; chính phủ Hàn Quốc công bố cho thấy số cặp đôi kết hôn năm 2021 tại quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại... là những tin tức quốc

HẠ VIỆN MỸ ĐÌNH CHỈ QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VỚI NGA VÀ BELARUS

Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm đình chỉ Qui chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn với Nga và Belarus, qua đó tăng cường các biện pháp nhằm trừng phạt Mát-x-cơ-va liên quan tới chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đây là thông tin mới nhất trên trang Politico được chúng tôi cập nhật sáng nay. 

Dự luật đình chỉ Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn với Nga và Belarus đã được Hạ viện Mỹ thông qua với 424 phiếu ủng hộ và 8 phiếu chống. Dự luật này trao cho Tổng thống Mỹ quyền tăng mức thuế quan đối với Mỹ và Belarus cho đến ngày 1/1/2024. Đạo luật này cũng thúc đẩy việc đình chỉ sự tham gia của Nga tại tổ chức thương mại thế giới (WTO) và ngăn chặn Belarus trở thành thành viên của WTO. Theo Politico, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer (Chắc Shum-mờ), đã tuyên bố ủng hộ và sẽ nỗ lực để dự luật được thông qua nhanh chóng tại Thượng viện./. 

Căng thẳng tại Ukraine không chỉ đe dọa gây ra cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất tại châu Âu, mà những tác động của nó đối với nền kinh tế còn vượt qua mọi biên giới, khi hàng loạt các lệnh trừng phạt với Nga được áp đặt, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thương mại toàn cầu bị gián đoạn, mạng lưới thanh toán chia rẽ, đồng thời giá năng lượng và lương thực bị đẩy lên cao. 
Xung đột tại Ukraine có thể làm “thay đổi căn bản” trật tự kinh tế toàn cầu, đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch vào trạng thái “đáng ngờ” là những nhận định của nhiều tổ chức quốc tế đã được các trang báo quốc tế đăng tải. 

XUNG ĐỘT TẠI UKRAINE TÁC ĐỘNG MẠNH MẼ ĐẾN KINH TẾ TOÀN CẦU

Báo The Hill đăng tải bài viết với tiêu đề “Tổ chức quốc tế cảnh báo xung đột Ukraine sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu”, trích dẫn thông tin từ báo cáo được công bố ngày 17/3 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, ước tính GDP trên thế giới sẽ giảm 1,08% do xung đột tại Ukraine. OECD cũng dự báo Mỹ sẽ chịu mức giảm GDP 0,88%, trong khi GDP ở khu vực Eurozone sẽ giảm 1,4%. 

Theo bài viết, OECD nhận định, cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, đồng thời đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu từ đại dịch COVID-19 vào trạng thái “đáng ngờ”. 

Trong bối cảnh không chắc chắn này, OECD ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn 1 điểm phần trăm trong năm nay, trong khi lạm phát, vốn đã ở mức cao vào đầu năm, có thể sẽ tăng thêm khoảng 2,5 điểm phần trăm nữa. 

Cũng đề cập đến tác động của xung đột tại Ukraine đến kinh tế toàn cầu, hãng tin Reuters dẫn nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, tình hình tại Ukraine có thể làm “thay đổi căn bản” trật tự kinh tế, chính trị toàn cầu. Các tác động lớn được IMF đưa ra là: giá lương thực và năng lượng bị đẩy lên cao, lạm phát gia tăng, xói mòn giá trị thu nhập, thương mại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. 

Đề cập đến các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bài viết cho hay, theo IMF, các quốc gia phải đối mặt với những nguy cơ trực tiếp về thương mại, du lịch và tài chính sẽ cảm thấy áp lực ngày càng lớn, nhất là ở những khu vực như phía Nam sa mạc Sahara, châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Á và Caucasus (Cáp-ca).

Châu Âu có thể đối mặt với tình trạng gián đoạn về việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng lớn hơn. Trong đó, khu vực Đông Âu, nơi đã tiếp nhận khoảng 3 triệu người di cư từ Ukraine, sẽ phải đối mặt với những tổn thất tài chính cao hơn. 

Ở châu Á, IMF cho rằng những nước nhập khẩu dầu mỏ tại khu vực ASEAN, Ấn Độ và một số đảo quốc Thái Bình Dương có nguy cơ chịu tác động lớn nhất.

Theo bài viết, IMF dự kiến sẽ giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 được đưa ra trước đó ở mức 4,4% và sẽ đưa ra các dự báo cập nhật vào ngày 19/4 tới./.

Một thông tin đang thu hút sự quan tâm của người dân nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam là, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết dữ liệu về các vaccine ngừa COVID-19 dành riêng chống biến thể Omicron sẽ có thể sẵn sàng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến đầu tháng 7, mở đường cho cơ quan này cấp phép sử dụng vaccine trong mùa Hè tới.

SẼ CÓ DỮ LIỆU VỀ VACCINE ĐẶC BIỆT CHỐNG OMICRON VÀO ĐẦU THÁNG 4

Theo hãng tin Reuters, các nhà sản xuất vaccine như Moderna và Pfizer đã bắt đầu thử nghiệm vaccine đặc biệt chống biến thể Omicron sau khi các dữ liệu cho thấy hai mũi vaccine đầu chỉ cung cấp bảo vệ một phần chống biến thể này. Dựa trên dữ liệu của các vaccine chống Omicron, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu sẽ quyết định một thời gian biểu cho việc cấp phép sử dụng. Cơ quan này hy vọng dữ liệu sẽ có trong mùa hè, từ đó gia tăng cơ hội có được một loại vaccine sẵn sàng được sử dụng vào mùa thu tới./.

HÀN QUỐC: TỶ LỆ KẾT HÔN NĂM 2021 THẤP NHẤT MỌI THỜI ĐẠI 

Số liệu vừa được chính phủ Hàn Quốc công bố cho thấy số cặp đôi kết hôn năm 2021 tại quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tới nhiều mặt của cuộc sống và thái độ của người trẻ đối với hôn nhân đã có những thay đổi đáng kể. 

Bài viết trên báo The Korea Herald cho biết, năm 2021, số cặp vợ chồng đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc đạt con số 193.000, giảm 9,8% so với năm 2020, đánh dấu mức sụt giảm năm thứ 10 liên tiếp. Bài viết cho hay, hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ tại Hàn Quốc không hào hứng với 3 cột mốc quan trọng của cuộc đời là hẹn hò, kết hôn và sinh con. Nguyên nhân được đưa ra là do họ không thể tìm được việc làm ổn định trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài. COVID-19 được cho là lý do chính khiến cho nhiều cuộc hôn nhân bị hủy bỏ hoặc trì hoãn./. 

TRUNG QUỐC ĐẶT MỤC TIÊU QUẢN LÝ CHẶT LIVESTREAM

Trong năm 2022, Cơ quan giám sát internet của Trung Quốc đặt mục tiêu xử lý các vấn đề hỗn loạn liên quan đến các video ngắn và hình thức livestream (phát trực tiếp). Thông tin được đăng tải trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng. 
Theo đó, cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc sẽ theo dõi các công ty/tổ chức giúp những người có tầm ảnh hưởng đạt được lượng truy cập trực tuyến thông qua các phương pháp “đáng ngờ”. Đồng thời cơ quan này sẽ chỉ đạo các nền tảng internet thiết lập một mô hình máy tính để giám sát và dự đoán các hành vi bạo lực trực tuyến. Năm ngoái, đã có 1,34 tỷ tài khoản trực tuyến bị đóng cửa, 7.200 người có tầm ảnh hưởng trên mạng bị chặn hoạt động và 2.160 ứng dụng tại Trung Quốc bị xóa do vi phạm các quy định an ninh mạng./.

 

Kim Ngọc