Điểm báo quốc tế 18/7: Ukraine bất ngờ thanh lọc bộ máy chính quyền

Ukraine thanh lọc bộ máy chính quyền; Hàn Quốc – Nhật Bản nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương; Thái Lan tăng cường kiểm soát vi phạm bản quyền; Giá dầu thế giới giảm nhẹ; Nắng nóng ở Anh: Tác động của biến đổi khí hậu đã ở rất gần... là những tin nổi bật trên báo chí quốc tế ngày 18/7.

UKRAINE THANH LỌC BỘ MÁY CHÍNH QUYỀN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa bất ngờ sa thải người đứng đầu cơ quan An ninh nội địa và Tổng công tố viên nhà nước. 

Theo Tổng thống Ukraine, có tới 651 cáo buộc hợp tác với Nga nhằm vào các quan chức công tố và thực thi pháp luật của Ukraine. Tờ TASS dẫn lời Tổng thống Ukraine cho rằng "sự việc đặt ra dấu hỏi đối với những người đứng đầu các cơ quan này” và là lí do để đưa ra quyết định sa thải. Đây là vụ sa thải liên quan đến chính trị lớn nhất của Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này.

HÀN QUỐC – NHẬT BẢN NỖ LỰC HÀN GẮN QUAN HỆ SONG PHƯƠNG

Korea Herald đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin hôm nay (18/7) sẽ có cuộc hội đàm song phương đầu tiên với người đồng cấp Nhật Bản, trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ song phương.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, trong chuyến công du kéo dài 3 ngày tới Nhật Bản, ông Park Jin dự kiến sẽ thảo luận một loạt vấn đề gây tranh cãi với người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi liên quan đến vấn đề lao động thời chiến và các vấn đề khác trong quá khứ của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng dự kiến sẽ trao đổi về những nỗ lực chung cùng với Mỹ liên quan tới Triều Tiên, cũng như việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên của lãnh đạo 2 nước. Lần cuối cùng 2 Bộ trưởng Ngoại giao hai nước gặp nhau là vào tháng 12/2017.

THÁI LAN TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT VI PHẠM BẢN QUYỀN 

Thái Lan sắp tới sẽ mạnh tay với tình trạng vi phạm bản quyền, trong bối cảnh ngành du lịch của quốc gia này đang mở cửa và hồi phục trở lại.

Bangkok Post dẫn lời Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và các cơ quan liên quan để thành lập các quy định về quản lý bản quyền. Các hoạt động kiểm tra và quản lý tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái sẽ tập trung tại các điểm du lịch nổi tiếng cũng như khu vực giáp ranh với Campuchia. Cục sở hữu trí tuệ Thái Lan cũng cho biết các hoạt động quản lý sẽ được áp dụng với việc vi phạm bản quyền âm nhạc trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Youtube.

GIÁ DẦU THẾ GIỚI GIẢM NHẸ

Hôm nay giá dầu đã có dấu hiệu giảm nhẹ tại khu vực châu Á, do tác động của dịch Covid-19 tại Trung Quốc và khả năng nối lại hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 của Nga. 

Theo hãng tin Channel News Asia, giá dầu thô tại thị trường châu Á đã giảm nhẹ sau chuỗi tăng liên tiếp tuần trước. Theo các nhà phân tích, giá dầu giảm nhẹ do lo ngại khả năng tiêu thụ dầu của Trung Quốc giảm, trong bối cảnh nước này ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, khả năng hoạt động lại của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 của Nga đang trong thời gian bảo trì cũng là một mối lo ngại lớn cho thị trường và các doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới giá dầu.

NẮNG NÓNG Ở ANH: TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐÃ Ở RẤT GẦN

Nước Anh, vốn được mệnh danh là “xứ sở sương mù”, những ngày này đang chứng kiến hiện tượng nắng nóng kỳ lục khi nhiệt độ được dự báo có thể lên tới 40 độ trong tuần này. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng khả năng xảy ra các đợt sóng nhiệt bất thường tại quốc gia này và dự đoán các đợt thời tiết khắc nghiệt thường xuyên và dữ dội hơn sẽ tiếp tục xảy ra.   

The Guardian có bài phân tích với tiêu đề “Không phải sóng nhiệt, đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia làm gián đoạn cuộc sống và đe dọa sức khỏe”, trong đó khẳng định: mọi người sẽ cảm nhận được rõ ràng hậu quả của biến đổi khí hậu khi phải đi tìm chỗ tránh cái nắng nóng thiêu đốt trong tuần này. Trong bối cảnh nước Anh đã phải hứng chịu nhiều cơn bão và tình trạng lũ lụt nghiêm trọng những năm qua, tình trạng nắng nóng kỷ lục thời gian này có thể chính là một cú hích cho sự thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề chống biến đổi khí hậu. Khi nhiệt độ dự kiến lên tới hơn 40 độ - đó không chỉ là một kỷ lục, mà nó còn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng con người.

Cho đến nay, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn thường được cho là cuộc chiến của những người trẻ tuổi, trong khi phần lớn mọi người thường hoài nghi và thậm chí thờ ơ. Kinh nghiệm ở Australia cho thấy, tình trạng hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng gây nhiều thiệt hại về người và của… đã biến một đất nước hoài nghi về biến đổi khí hậu trở thành một “quốc gia xanh” đúng nghĩa, đi tiên phong trong cuộc chiến này. Bài báo cho rằng, khi tác động của biến đổi khí hậu đã ở rất gần như hiện nay, giờ là lúc nước Anh phải thay đổi.

Cùng chung quan điểm, bài báo trên Financial Times cho rằng, “không lâu nữa người Anh sẽ không còn thấy nắng nóng thú vị”, cho biết tần suất và cường độ của các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt đang gia tăng nhanh chóng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Các cảnh báo về nắng nóng cao độ trong tuần này được so sánh với đợt nắng nóng ở Anh năm 1976, tuy nhiên nhấn mạnh đến tần suất xuất hiện của nắng nóng nghiêm trọng ngày càng tăng cùng với hậu quả của nó.

Là một đất nước vốn có thời tiết mát mẻ, người Anh luôn yêu thích nắng ấm, và nghĩ rằng cháy rừng sẽ hiếm khi xảy ra. Nhưng những năm qua, cháy rừng ở nước này đã xảy ra thường xuyên, cùng với đợt sóng nhiệt kỉ lục này, tiếp tục là những dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đã không còn xa vời. Đã đến lúc người dân Anh cần phân biệt giữa thời tiết mùa hè bình thường và thời tiết nắng nóng bất thường, để có thể tự bảo vệ sức khỏe và nâng cao nhận thức về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.  

Anh Tuấn