Điểm báo quốc tế 19/02: Australia xuất khẩu thí điểm trái đào và xuân đào sang Việt Nam

Một thông tin liên quan đến Việt Nam được đăng tải trên trang báo tin điện tử ABC News của Australia, có nhan đề “Trái đào và Xuân đào Australia lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam sau một thập kỷ”.

Bài viết trên ABC News dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud, khẳng định “Việt Nam là thị trường ưu tiên cho các sản phẩm cao cấp của Australia và việc hoàn tất các cuộc đàm phán kỹ thuật sẽ đồng nghĩa với việc đào và xuân đào của Australia có thể tiếp cận thị trường giá trị này". Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh Phát triển xuất khẩu Summerfruit, Ian McAlister, cho rằng việc Việt Nam mở cửa trở lại thị trường là một bước phát triển tốt cho lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Australia. Ông McAlister nhấn mạnh,“với chương trình khuyến mãi phù hợp, thị trường Việt Nam là một điểm đến quan trọng” đối với Australia. Liên quan đến thời gian xuất khẩu sản phẩm, bài viết cũng cho biết quả đào và xuân đào Australia sẽ được chuyển tới Việt Nam trong tháng 3 và tháng 4 tới với một số lượng nhỏ, để mở đường cho một lượng hàng lớn hơn đến với thị trường Việt Nam vào đầu tháng 12 năm nay.

CHÂU ÂU KHIẾU NẠI TRUNG QUỐC LÊN WTO VỀ BẰNG SÁNG CHẾ CÔNG NGHỆ
“Châu Âu khiếu nại Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về những khúc mắc liên quan đến bằng sáng chế công nghệ” là nội dung được đăng tải trên trang South China Morning Post.
Theo tác giả bài viết, Bắc Kinh đang sử dụng các cơ chế pháp lý mới được gọi là “Lệnh chống khởi kiện” để ngăn cản các công ty quốc tế khiếu kiện các đối tác Trung Quốc ra toà án nước ngoài vì sử dụng công nghệ của họ mà không có giấy phép hay sự cho phép. Các công ty gửi đơn khiếu nại bao gồm Sharp, Ericsson và Nokia. Bài báo cũng chỉ ra rằng, kể từ năm 2020 đến nay, các tòa án ở Trung Quốc đã đưa ra nhiều án phạt tài chính và những quyết định pháp lý khác gây bất lợi cho các công ty EU, buộc những công ty này phải đệ đơn kiện lên các tòa án trên khắp thế giới. EU cho rằng các hành động pháp lý này tạo điều kiện cho các nhà sản xuất Trung Quốc "có thể tiếp cận công nghệ của châu Âu với chi phí thấp, hoặc thậm chí là miễn phí". Theo South China Morning Post, mặc dù EU đã nhiều lần nêu vấn đề này với Trung Quốc nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi thoả đáng từ phía Bắc Kinh.

CHÂU PHI TỰ SẢN XUẤT VACCINE COVID-19 CÔNG NGHỆ MRNA
Thông tin từ trang Channel News Asia cho biết, sáu nước châu Phi, bao gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tunisia, sẽ là những quốc gia đầu tiên của châu lục này tiếp nhận công nghệ cần thiết từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để tự sản xuất vaccine mRNA ngừa covid-19. Hãng tin Channel News Asia dẫn lời của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng “cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề khẩn cấp y tế và đạt được bao phủ y tế toàn cầu là cần tăng đáng kể năng lực của tất cả các khu vực trong việc sản xuất các sản phẩm y tế mà các nước cần tới.” Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định “công nghệ mRNA được sản xuất tại châu Phi, do châu Phi dẫn dắt và thuộc sở hữu của châu Phi”. Bài viết cũng nêu rõ việc đào tạo cho các nước tiếp nhận công nghệ này sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới.

MALAWI BÙNG PHÁT BỆNH BẠI LIỆT
Một thông tin khác cũng liên quan đến tình hình ở châu Phi, hãng tin CNN đăng tải một bài viết cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo cơ quan y tế Malawi đã tuyên bố bùng phát dịch bại liệt sau khi phát hiện một trường hợp ở thủ đô Lilongwe của nước này. Đây là trường hợp đầu tiên ở châu Phi nhiễm virus bại liệt hoang dã trong hơn 5 năm qua.
Trường hợp mắc bệnh là một bé gái 3 tuổi, bị liệt vào tháng 11 năm ngoái. Theo thông tin từ CNN, các phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy chủng virus được phát hiện ở Malawi có liên hệ với ca nhiễm được phát hiện ở Pakistan, nơi bại liệt được coi là bệnh đặc hữu. Bài viết cũng dẫn lời của WHO, khẳng định do ca bệnh ở Malawi lây nhiễm từ Pakistan nên “khu vực châu Phi vẫn là nơi không lây nhiễm virus bại liệt”. WHO đang triển khai các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn virus bại liệt lây lan.

CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ TẠI CÁC NƯỚC
Thời gian gần đây, chủ đề “Quy định, chính sách đối với các gã khổng lồ công nghệ” đang “nóng” trở lại trên các trang báo quốc tế khi các quốc gia bắt đầu mạnh tay đưa ra những quyết sách nhằm siết chặt hoạt động của các công ty công nghệ, bảo vệ lợi ích cho người dùng cũng như tránh các hành vi bất hợp pháp trên các nền tảng kỹ thuật số. 
Bộ Nội vụ Anh đang thúc đẩy những thay đổi mới đối với dự luật “An toàn trực tuyến”, yêu cầu các công ty công nghệ giám sát các nội dung “hợp pháp nhưng có hại” của người dùng. Đây là nội dung được báo Financial Times đăng tải. Theo đó, những quy định mới sẽ hoàn toàn khác với những quy tắc giám sát toàn cầu hiện có. Trên phạm vi rộng hơn, các quy tắc này nhằm ngăn chặn hành vi gian lận, khủng bố và các hoạt động bất hợp pháp khác. Tuy nhiên, bài báo cũng đưa ra lo ngại rằng các biện pháp mới có thể gây ra xung đột với các quy tắc bảo vệ dữ liệu của châu Âu và hạn chế các công ty công nghệ đa quốc gia đầu tư thêm vào thị trường Anh.

Trong khi đó, báo The Economic Times cảnh báo việc Meta Platform có thể phải rút khỏi châu Âu chỉ là một sự khởi đầu khi mới đây, cơ quan bảo vệ dữ liệu Ireland dự kiến sẽ cân nhắc đến tính hợp pháp của cái gọi là “điều khoản tiêu chuẩn trong hợp đồng” (SCC) được Meta, Google, và các công ty công nghệ khác sử dụng để chuyển dữ liệu của người dùng sang Mỹ nhằm xử lý một cách hợp pháp. Chính quyền Ireland từ lâu đã nghi ngờ tính hợp pháp của các “điều khoản tiêu chuẩn trong hợp đồng” (SCC), vì đã “thất bại trong việc bảo vệ quyền công dân châu Âu” khỏi các cơ quan Mỹ. Nếu quyết định của Ireland sớm được thực hiện, thì không chỉ riêng Meta, mà các gã khổng lồ công nghệ cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tê liệt các luồng dữ liệu xuyên Đại Tây Dương và thiệt hại hàng tỷ USD.

Với sự ra đời của các chính sách khắt khe hơn, chặt chẽ hơn đối với các công ty công nghệ ở từng quốc gia, chúng ta có thể thấy xu hướng đặc trưng của những năm 2020 là quy định áp dụng đối với công nghệ. Đây cũng là nhận định của các chuyên gia trong bài phân tích được đăng tải trên tờ The Bangkok Post. Trong khi các công ty công nghệ hiện diện ở phạm vi toàn cầu, thì các quy định quản lý về phát triển và sử dụng lại chỉ nằm trong phạm vi của từng quốc gia. 3 rào cản nhất định trong việc triển khai chính sách cũng được bài báo đề cập: 

Thứ nhất là thẩm quyền ra quyết định lập pháp của cơ quan chức năng, các tiền lệ và các thoả thuận đã có từ trước với từng nơi. Những yếu tố này tạo ra “một ranh giới “cứng” về giới hạn pháp lý mà các nhà hoạch định chính sách sẽ khó vượt qua được”.

Thứ 2 là thiếu sự gắn kết chính trị, sự ủng hộ của công chúng và sự đồng thuận giữa các bên liên quan, hoặc sự bất đồng trong nội bộ. 

Rào cản thứ 3 là thiếu năng lực triển khai và thực thi chính sách hiệu quả. Nguyên nhân dẫn tới rào cản này là hạn chế về ngân sách, thiếu nhân lực trình độ cao, và thiếu cơ sở hạ tầng.
 

Ngọc Anh