Điểm báo Quốc tế 7/6: Thủ tướng Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Mỹ miễn thuế 2 năm với pin mặt trời từ Đông Nam Á; Thủ tướng Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm; Ukraine cân nhắc dùng tiếng Anh trong giao tiếp kinh doanh; Thái Lan sẵn sàng coi Covid-19 là bệnh đặc hữu; Chủ nghĩa bảo hộ lương thực gây nhiều hệ lụy... là những tin nổi bật trên các mặt báo lớn quốc tế ngày 7/6.

MỸ MIỄN THUẾ 2 NĂM ĐỐI VỚI PIN MẶT TRỜI TỪ ĐÔNG NAM Á 

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng, đồng thời tuyên bố miễn thuế 2 năm đối với đối với các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo Washington Post, quyết định của tổng thống Biden là nhằm tăng cường sản xuất trong nước đối với các bộ phận của tấm pin mặt trời, vật liệu lắp đặt tòa nhà, máy bơm nhiệt hiệu suất cao và các thành phần khác để tạo ra năng lượng sạch. Theo giới chức Nhà Trắng, động thái miễn thuế đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Campuchia là một biện pháp cầu nối trong khi nước này thực hiện các nỗ lực khác nhằm tăng sản lượng điện mặt trời. 

THỦ TƯỚNG ANH VƯỢT QUA CUỘC BỎ PHIẾU BẤT TÍN NHIỆM

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, qua đó tiếp tục lãnh đạo nước Anh thêm 12 tháng nữa. Theo tờ The Guardian, ông Johnson dành được 211 phiếu ủng hộ so với 148 phiếu chống. Trong phát biểu mới nhất, ông Johnson nhấn mạnh đây là một "kết quả thuyết phục, mang tính quyết định", cho phép ông tiếp tục dẫn dắt đất nước. Tuy nhiên, bài viết khẳng định, kết quả này là một lời nhắc nhở đối với nhà lãnh đạo Anh khi có tới 41% nghị sỹ trong Đảng Bảo Thủ không ủng hộ ông. 

UKRAINE CÂN NHẮC DÙNG TIẾNG ANH TRONG GIAO TIẾP KINH DOANH

Chính phủ Ukraine sẽ có thể ban hành quy định mới, trong đó xác định tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp kinh doanh chính tại nước này. Đây là tuyên bố vừa được Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đưa ra. 

Channel News Asia dẫn lời ông Shmyhal khẳng định, tiếng Anh hiện được sử dụng trong giao tiếp kinh doanh trên khắp thế giới, vì vậy việc trao cho nó một vị thế như vậy ở Ukraine sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh doanh, thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình hội nhập Châu Âu của Ukraine. Theo khảo sát năm 2019, khoảng một nửa dân số Ukraine nói chủ yếu hoặc chỉ nói tiếng Ukraine. Trình độ thông thạo tiếng Anh tại nước này đã được cải thiện, nhưng vẫn kém hơn so với một số quốc gia Đông Âu.

THÁI LAN SẴN SÀNG COI COVID-19 NHƯ MỘT BỆNH ĐẶC HỮU

Đại dịch sắp kết thúc và Thái Lan đã sẵn sàng coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu. Đây là khẳng định của các chuyên gia y tế Thái Lan. 

Bangkok Post dẫn lời các chuyên gia y tế cho hay, việc Thái Lan sẵn sàng chuyển sang quản lý Covid-19 như là một bệnh đặc hữu, hoàn toàn dựa trên tình hình thực tế, khi số ca mắc hàng ngày và tỷ lệ tử vong giảm mạnh, an toàn y tế công cộng được đảm bảo tốt hơn. Bài viết khẳng định, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã dạy cho Thái Lan một bài học quý giá về cách kiểm soát một đợt bùng phát dịch có khả năng lây lan nhanh. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo, đồng thời tăng cường phát triển công nghệ vắc xin cũng như mức độ sẵn có của thiết bị y tế. 

CHỦ NGHĨA BẢO HỘ LƯƠNG THỰC VÀ HỆ LỤY KHÔN LƯỜNG 

 Trong vài tháng gần đây, khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã hạn chế xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Những động thái này đang làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ lương thực lên mức cao kỷ lục, gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với nguồn cung lương thực thế giới, đồng thời  đẩy thế giới đứng trước những rủi ro khó lường do mất an ninh lương thực. Đây cũng là nội dung được một số tờ báo lớn tập trung phân tích.

Trong bài phân tích với tiêu đề “Chủ nghĩa bảo hộ lương thực toàn cầu gia tăng có thể làm tồi tệ hơn tình trạng lạm phát”, tờ Bloomberg đưa ra những dẫn chứng mới nhất về bảo hộ lương thực, trong đó có việc Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà, khiến Singapore, quốc gia nhập 1/3 thịt gà từ Malaysia, tỏ ra lo ngại; hay Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường, trong khi Indonesia giới chế bán dầu cọ và một số quốc gia khác áp hạn ngạch với ngũ cốc. 

Viện dẫn các ý kiến chuyên gia, bài viết cho hay, khoảng 30 quốc gia đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu và chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008. Dự báo, chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn sẽ tiếp tục trong năm 2022 và gia tăng trong những tháng tới. Điều này sẽ làm tăng thêm rủi ro về an ninh lương thực với nhóm dễ tổn thương nhất. 

Phân tích về tác động, tờ South China Morning Post nhận định, không thể đánh giá thấp quy mô của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Chủ nghĩa bảo hộ đang đẩy giá nhiều mặt hàng tăng cao kỷ lục. Tình hình nghiêm trọng đến mức Chương trình Lương thực thế giới cảnh báo, nó đang biến thành một cơn bão càn quét toàn cầu.

Theo LHQ, khoảng 44 triệu người ở 38 quốc gia đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Hiện nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã triển khai các chương trình hỗ trợ lương thực toàn cầu khẩn cấp để đối phó với khủng hoảng, tuy nhiên, theo giới phân tích, tình trạng giá lương thực tăng và nguồn cung giảm có khả năng kéo dài đến năm 2024. Các quốc gia có thu nhập ở Trung Á, Trung Đông, Châu Phi có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
 

Đinh Giang